Nguyên nhân bắt đầu từ năm 2006 khi Cadovimex ký hợp đồng với Công ty SouthChina Seafood ở Mỹ theo hình thức ký gửi (Cadovimex giao hàng, sau đó Suothchina Seafood sẽ chuyển tiền). Ban đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ, cho đến khi số tiền hàng lên tới 5 triệu USD thì bất ngờ Công ty Shouthchina Seafood từ chối thanh toán.
Ông Trần Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cadovimex bức xúc: “Số tiền 5 triệu USD, tương đương gần 100 tỷ đồng còn cao hơn cả vốn điều lệ của công ty. Số tiền đó suốt 6 năm qua chúng tôi phải đóng lãi cho ngân hàng, chúng tôi không còn vốn để tiếp tục hoạt động, công ty đình trệ”.
Vụ việc kéo dài hơn ba năm thì Trọng tài quốc tế mới ra phán quyết với phần thắng thuộc về Cadovimex. Do Công ty Shouthchina Seafood có công ty con là Công ty Duyên Hải Bạc Liêu nên việc bồi thường được tính vào tài sản của công ty này và UBND tỉnh Bạc Liêu là đơn vị thi hành án. Tuy nhiên đã ba năm đã trôi qua, UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn không thể thi hành án, mặc dù từ thời điểm đó tới nay đã có tới 18 văn bản của Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp chỉ đạo và yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu thi hành. Lý giải về vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Do còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng nên UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa thể tiến hành thi hành án.
Việc chưa tiến hành thi hành án có mấy lý do: Thứ nhất là phía Công ty Southchina Seafood vẫn còn khiếu nại, thứ hai, đây là công ty 100% vốn nước ngoài, nên việc thi hành án cũng như xử lý vấn đề này hết sức quan trọng, liên quan tới kêu gọi đầu tư và vấn đề đối ngoại của tỉnh.
Chưa rõ các lý do trên của UBND tỉnh Bạc Liêu có thỏa đáng hay không, nhưng theo Luật sư Nguyễn Chính, vụ việc này đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành thi hành án theo phán quyết của Trọng tài quốc tế. “Tôi khẳng định là vụ việc này có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành thi hành án theo phán quyết của Trọng tài quốc tế, vì thứ nhất công ty Duyên Hải Bạc Liêu đã được chứng minh là công ty con 100% vốn của công ty mẹ Southchina Seafood. Thứ hai là các phán quyết của Trọng tài đúng với trình tự pháp luật. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của đơn vị thi hành án mà thôi” - Luật sư Nguyễn Chính nói.
Trong thời gian gần qua, Công ty Duyên Hải Bạc Liêu - công ty con của Suothchina Seafood làm ăn thua lỗ liên tục và hiện cũng tạm ngừng hoạt động. Có thể hiểu là công ty này sẽ không còn khả năng để bồi thường cho công ty Cadovimex. Sự chậm trễ trong việc thi hành án đang đẩy Cadovimex đứng trước bờ vực phá sản.
Theo thống kê, tại ĐBSCL có hàng trăm doanh nghiệp thuỷ sản bán hàng theo hình thức ký gửi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này có nghĩa là rất có khả năng sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những rủi ro và chịu thiệt thòi như trường hợp của Cadovimex.