Đến nay, tỉnh đã quy hoạch, đầu tư được 14 cụm chế biến hải sản tập trung với diện tích 78,83ha. Các cụm chế biến hải sản này đang góp phần thúc đẩy nghề bảo quản, chế biến hải sản; giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân; nâng cao hiệu quả nghề khai thác, chế biến hải sản.
Tại các huyện ven biển, một số doanh nghiệp đã đầu tư các cơ sở chế biến hải sản tập trung, quy mô lớn, thu hút nhiều lao động.
Trong số đó có Nhà máy chế biến bột cá tại xã Diễn Hùng (huyện Diễn Châu) của Công ty TNHH chế biến phụ phẩm Xuri Việt Trung, công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày, doanh thu 220 tỷ đồng/năm, sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Nhà máy chế biến cá hộp Nghệ An của Tập đoàn Royal Foods với 2 dây chuyền sản xuất có công suất trên 100 tấn cá/ngày tại huyện Nghi Lộc; Dự án Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan Miền Bắc, diện tích 6,33 ha, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Nam Cấm, trong đó chế biển các sản phẩm thủy sản.
Nghệ An có trên 82 km bờ biển, với các địa phương ven biển là Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai và Thị xã Cửa Lò. Hiện nay nhu cầu hoàn thiện, đầu tư các cơ sở chế biến hải sản tập trung là rất lớn.
Tuy nhiên, địa phương đang trong tình trạng thiếu vốn đầu tư; khó khăn về giải phóng mặt bằng; nguồn nguyên liệu sản phẩm phục vụ chế biến không ổn định.
Khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nghệ An đang hoàn thiện cơ chế khuyến khích đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý môi trường cùng các điều kiện khác trong các cụm chế biến hải sản tập trung, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tỉnh quy hoạch cụ thể các cụm chế biến hải sản tập trung; khuyến khích các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, kinh doanh; hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn để nâng dần sản lượng khai thác phục vụ hiệu quả cho hoạt động của các cụm chế biến hải sản tập trung.