Qua theo dõi diễn biến ngành hàng cá tra từ đầu năm đến nay, ông nhận định gì về những thay đổi từ vùng nuôi đến thị trường xuất khẩu cá tra?
Tính đến ngày 7/11/2016, diện tích nuôi mới cá tra các tỉnh ĐBSCL là 2.729 ha (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2015), diện tích thu hoạch là 3.007 ha (giảm 0,7%), sản lượng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 (942.569 tấn), năng suất trung bình 313 tấn/ha thay vì 285 tấn/ha như 2015. Qua đó cho thấy, diện tích vùng nuôi tuy giảm nhưng vẫn giữ được sản lượng tăng là do năng suất bình quân nuôi cá tăng hơn so năm trước.
Trong khi đó, theo số liệu từ Hải quan, kim ngạch xuất khẩu (XK) ngành hàng cá tra tăng hơn 6,2% so năm 2015.Kế hoạch dự kiến kim ngạch XK cá tra năm 2016 của Bộ NN-PTNT khoảng 1,5 tỷ USD, nhưng từ nay đến cuối năm với nhịp độ gia tăng trưởng XK có thể cán đích đạt 1,7 tỷ USD.
Diễn biến thị trường cho thấy, XK sang Mỹ tăng 23% so cùng kỳ 2015; XK sang Trung Quốc, Hồng Kông tăng 7,5%; các nước EU giảm gần 10%; các nước ASEAN, Mexico, Colombia, Trung Đông… giảm từ 6% đến 18%. Tôi cho rằng sự biến động tăng giảm trên thị trường XK như thế là chưa thật sự bền vững.
Vừa qua có thông tin một số DN năng động tìm thị trường mới?
Tôi nghĩ rằng thị trường truyền thống (như Mỹ, các nước EU, ASEAN…) cần chú trọng nâng cao chất lượng, giữ vững để sản phẩm bán có giá trị cao còn hơn là chạy tìm thị trường mới hoặc nếu như thị trường mới của một vài nước không đặt nặng yêu cầu chất lượng, chế biến chỉ cần cá tra cắt khúc, xẻ bướm… bán giá thấp chưa tới 2 USD/kg, hiệu quả không cao, coi chừng sẽ rơi vào tình thế bấp bênh hơn.
Hiện nay Trung Quốc đang mua cá tra theo cỡ bình quân 400 gram/con, nhưng biến đổi tăng - giảm vô chừng, không biết trước và lường trước được. Một khi thị trường chưa phát triển ổn định thì khó chủ động kế hoạch SX ổn định. Mặt khác, trong công tác xúc tiến thương mại tìm thị trường mới cần chú trọng thị trường nội địa trên 90 triệu dân. Muốn thực hiện được việc này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để DN thực hiện.
Điệp khúc “thừa và thiếu” cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong khi nhu cầu thị trường tương lai vẫn là ẩn số, theo ông làm gì để DN và người nuôi không phải ném đá dò đường?
Vừa qua, một số thông tin qua báo chí cho rằng thiếu cá tra nguyên liệu; các DN chủ động nguyên liệu vùng nuôi chỉ 50% đến 70%. Về tổng thể quan sát, cá tra nguyên liệu không thiếu. Cá tra nếu có thiếu chỉ nhất thời do vừa qua có lúc một số cơ sở SX cá tra giống giảm sản lượng.
Thế nhưng giá cá tra hiện thời dẫu lên 22.000 đ/kg vẫn chưa có gì hấp dẫn. Có thể sau thời gian từ đầu năm 2016 kéo dài giá thấp 17.000-18.000 đ/kg đến nay giá cá tra tăng là do nhu cầu thị trường từ tháng 10 đến cuối năm các nước mua hàng chuẩn bị đón tết dương lịch. Do vậy vấn đề là cần thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả ổn định.
Theo tôi cần phải trở lại vấn đề xây dựng nâng cao chất lượng cá tra. Tùy theo yêu cầu thị trường, nuôi cá tra thực hiện quy trình nuôi theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn ASC, PAD… Chất lượng phải đảm bảo hàng đầu để thị trường này không tiêu thụ mạnh vẫn còn có thị trường khác mua. Mặt khác, bên cạnh vùng nuôi của các DN, trang trại, người nuôi cá tra bên ngoài cần có sự liên kết với các DN chế biến XK, nuôi theo hợp đồng hoặc nuôi gia công để tránh rủi ro.
Nghị định 36/CP của Chính phủ nhằm chấn chỉnh tình hình SX và xuất khẩu cá tra, những nội dung mới khiến ông hài lòng là gì?
Nghị định 36/CP có các điểm mấu chốt lớn đó là nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam (trong đó sản phẩm cá tra XK có qui định về hàm ẩm và mạ băng); Hiệp hội Cá tra Việt Nam quản lý từ vùng nuôi đến XK, nuôi cá theo qui trình tiêu chuẩn VietGAP, DN XK cá tra phải đăng ký sản lượng XK theo từng quý… Hiện nay Hiệp hội và một số địa phương đang thực hiện liên kết SX theo chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; tuyên truyền phổ biến thực hiện SX theo qui trình VietGAP và các tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng cá tra.
Hiệp hội đã có những đề xuất hay kiến nghị gì, thưa ông?
Vừa qua Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Chính phủ tùy theo tình hình thị trường XK, từ đó nâng cao chất lượng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cá tra VN. Tiếp tục duy trì, cổ vũ việc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra của một số DN đã tạo uy tín trên thị trường tại một số nước nhằm quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam.
Nếu DN nào thực hiện được điều này thành công, tạo hiệu ứng tốt xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra, Hiệp hội sẽ đề xuất trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng; sản phẩm có dán nhãn hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao… Có thể xem đây là biện pháp kích thích để các DN chế biến XK cá tra tham gia, phấn đấu cùng chung sức xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Hiện nay Hiệp hội đã thực hiện xong bản đồ vùng nuôi, có website và đã cấp mã số vùng nuôi; làm sàn giao dịch, cập nhật thông báo giá cá tra của từng thị trường XK. Riêng việc quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra từ vùng nuôi đang có tiến triển, nhưng mức tăng chưa đồng đều, cần tiếp tục mở rộng để hoàn thiện.
Xin cảm ơn ông!