Buổi trưa, ông Nguyễn Văn Thường (51 tuổi, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú) cầm thau nhựa xuống xuồng, bơi ven bờ ao tôm 1,6 ha. Dọc bờ ao, những con tôm càng xanh bốn tháng tuổi, to bằng ngón tay cái, vỏ ngả sang màu gạch chết nổi lềnh bềnh. Ông Thường một tay bơi xuồng, tay còn lại vớt những con chết lẫn những con lờ đờ. Sau nửa tiếng, số tôm trong thau đã gần 2 kg, ông thường mang ra sau nhà, những con còn sống ông biếu người quen, còn tôm chết ông đào một hố nhỏ rồi chôn lấp để khỏi lây lan mầm bệnh cho các ao khác.
Địa phương có truyền thống nuôi tôm càng xanh quảng canh xen với lúa, từ tháng 8 âm lịch, ông Thường bắt đầu gieo sạ, đến tháng 11 khi lúa bắt đầu chín thì thả tôm. Năm nay, do mặn xâm nhập sớm và sâu, nhiều nông dân không kịp trở tay, đa số lúa bị nhiễm mặn. Diện tích lúa nhà ông Thường đã sớm đắp bờ ngăn, nhưng nước mặn vẫn vào đồng, thiệt hại khoảng 50%. Gia đình ông chỉ còn trông vào vụ tôm, nên thả 250.000 con tôm sú, càng xanh giống, chi phí con giống lẫn thuốc men, thức ăn hơn 80 triệu đồng.
"Vụ năm ngoái, lúa lẫn tôm trừ chi phí tôi lãi 150 triệu đồng. Vụ này dự kiến chỉ hơn một tháng nữa là thu hoạch, nhưng giờ chắc trắng tay", ông Thường nói.
Nhiều nông dân như ông Thường cho hay nếu tình hình này kéo dài, sang năm nông dân sẽ tính đến phương án thay đổi giống lúa lẫn giống thủy sản, để thích nghi với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Tôm càng xanh bốn tháng tuổi chết do nước quá mặn, được ông Nguyễn Văn Thường vớt lên từ ao nuôi. Ảnh: Hoàng Nam.
Kế bên vuông tôm của ông Thường, mấy hôm nay, bà Lê Thị Sương (74 tuổi) cùng ba người con thay phiên nhau dùng vợt lưới đi quanh ao vớt tôm chết. Gia đình bà có hơn 4 ha tôm càng xanh, thời điểm này những năm trước, chỉ cần quăng chài xuống ao là bắt được mấy ký tôm. Còn bây giờ, ao tôm chỉ còn trơ nước, mỗi ngày phải vớt cả nghìn con tôm chết đem chôn.
"Những năm trước, nước mặn lắm cũng chỉ 17 phần nghìn trở lại, con tôm càng xanh còn chịu được, còn năm nay, độ mặn đo dưới ao đã trên 20 phần nghìn, cứ đà này vài hôm nữa ao tôm sẽ chết hết", bà Sương nói.
Toàn xã Mỹ An có khoảng 330 ha ao nuôi tôm càng xanh quảng canh, đa số đều thiệt hại khoảng 80%. Theo người dân, đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước, người nuôi tôm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không như bây giờ.
Gần 2 kg tôm càng xanh chết dưới ao được chủ vuông vớt lên, đem đi chôn để không ô nhiễm. Ảnh: Hoàng Nam.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết toàn tỉnh có hơn 3.000 ha ao nuôi tôm càng xanh xen canh, quảng canh và gần 1.500 ha ao nuôi cá tra, trê, mè.
Vụ này, do nước quá mặn làm thủy sản nuôi ăn yếu, chậm lớn và hao hụt, gần 1.000 ha ao nuôi tôm càng xanh và hơn 400 ha ao nuôi cá tra, mè bị ảnh hưởng khoảng 30%, thiệt hại sơ bộ gần 80 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam. Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ đến các địa phương nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ thông tin chuyên môn cần thiết để sớm có biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho người dân.