Lồng bè nuôi tôm, cá của “chuyên gia” Trung Quốc tại Vũng Rô. Ảnh: Chí Phan
Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội cùng các cơ quan liên quan hoàn chỉnh các thủ tục trục xuất những lao động nước ngoài hiện còn làm việc tại Vũng Rô để xử lý theo pháp luật. Sở này cũng được yêu cầu phải quản lý chặt chẽ lao động, nhất là lao động người nước ngoài và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TN-MT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, UBND huyện Đông Hoà và các ngành liên quan kiểm tra cụ thể từng hộ đang nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực Vũng Rô, xác định rõ tổng số hộ nuôi trong, ngoài tỉnh và tại thôn Vũng Rô. Trên cơ sở đó, các đơn vị đề xuất cụ thể hướng giải quyết từng trường hợp cụ thể... Đồng thời kiến nghị với Bộ NN&PTNT xem xét không cấp phép cho các tàu nước ngoài thu mua hải sản tràn lan tại các vùng biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ, không để lao động người nước ngoài làm việc trên các bè nuôi trồng thuỷ sản, kịp thời trục xuất theo thẩm quyền hoặc kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Vũng Rô có hành vi hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trái phép.
UBND huyện Đông Hòa phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT và Đoàn kiểm tra của tỉnh trong kiểm tra, rà soát toàn bộ các hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Vũng Rô và các địa điểm khác trong huyện, đề xuất hướng xử lý phù hợp; đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật trong việc cho thuê đất đối với Doanh nghiệp tư nhân Quách Kiều tại bờ biển thôn Phú Thọ 2, xã Hoà Hiệp Trung về xử lý đối với các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trái phép.
Đối với Công ty TNHH Thuận Hoàng, tỉnh giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiến hành kiểm tra và chấm dứt hợp đồng kinh tế liên kết nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực Bãi Lau - Vũng Rô. Do hợp đồng ký kết không đúng thẩm quyền, trái quy định pháp luật, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày có thông báo kết luận của UBND tỉnh phải di chuyển lồng bè đi nơi khác.
Đối với Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Tín, giao công an, cục thuế và Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra doanh nghiệp theo quy định pháp luật; xác định rõ doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh theo đăng ký ban đầu hay thực chất là của người nước ngoài trực tiếp đầu tư, quản lý để đề xuất hướng xử lý. Cục thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục thuế huyện Đông Hoà kiểm tra, căn cứ quy định pháp luật để thu thuế.
Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên) là vùng nước sâu được quy hoạch mở rộng cảng và phát triển công nghiệp hóa dầu của tỉnh Phú Yên nên không cấp phép nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, nhiều năm qua, các “chuyên gia” Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên chủ cơ sở để nuôi thủy sản trái phép ở đây.
Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp phép hoạt động cho 10 người Trung Quốc với vai trò làm chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú và cá bóp ở Vũng Rô. Tuy nhiên, những “chuyên gia” này lại chính là chủ các cơ sở nuôi cá mú và cá bóp với quy mô lớn tại đây. Tất cả 5 bè cá với quy mô mỗi bè 100 - 200 lồng, nuôi tại bãi Chùa, bãi Hương và bãi Lau, toàn bộ vốn đầu tư ban đầu đến con giống và trả tiền nhân công đều do người Trung Quốc lo liệu, làm chủ.
Ông Trần Xuân Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết, Vũng Rô là vùng được quy hoạch mở rộng cảng và phát triển công nghiệp hóa dầu nên không có tổ chức cá nhân nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Vũng Rô đều là tự phát, trái phép. Việc xuất hiện những bè cá nuôi của người Trung Quốc ở đây cản trở việc tàu thuyền qua lại, đã gây nhiều bức xúc đối với người dân địa phương. Đã có lần thôn, xã phải đứng ra giải quyết khi một chiếc xe chở thức ăn cho cá hôi tanh nồng nặc đậu trong thôn Vũng Rô bị dân phản đối.
Ông Phạm Minh Chu, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cũng thừa nhận, huyện không hề cấp phép nuôi trồng thủy sản và cho thuê mặt nước ở Vũng Rô đối với tổ chức, cá nhân nào. Còn theo ông Hồ Văn Tiến, Chánh văn phòng, trước đây tỉnh chỉ cấp phép cho Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nuôi thử nghiệm tạm thời một số loài thủy sản ở đây.
Ngoài một số cơ sở tư nhân có “chuyên gia” Trung Quốc, theo UBND xã Hòa Xuân Nam, hiện có 3 doanh nghiệp nuôi cá mú, cá bóp tại Vũng Rô có người Trung Quốc trông coi là Công ty TNHH Thuận Thành, DNTN Mỹ Ngọc và DNTN Vĩnh Tín. Các doanh nghiệp và cá nhân này nuôi thủy sản trái phép ở Vũng Rô 7 năm nay. Các cơ sở này nhập thẳng con giống từ nước ngoài bằng tàu vào Vũng Rô rồi xuất cá thương phẩm cũng bằng tàu ra nước ngoài nhưng không có cơ quan nào quản lý và thu thuế.