Đó là đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị “Thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam” do Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu cùng Ban quản lý Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam – SusV”, Dự án GRAISEA, Trung tâm ICAFIS, OXFAM tại Việt Nam, WWF tại Việt Nam tổ chức ngày 16/8.
Các chuyên gia cũng khẳng định, việc sử dụng năng lượng tái tạo là mô hình mới thiết thực, ý nghĩa trong việc tuyên truyền tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh một cách hiệu quả.
Từ đó, mang lại lợi ích rõ rệt cho môi trường và sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho từng nông hộ, tiết kiệm chi phí vận hành.
Theo thống kê năm 2017, tổng diện tích nuôi tôm của 10 tỉnh phía Nam gồm Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận đạt gần 429.000 ha và sử dụng gần 12.000 triệu kWh.
Đến năm 2020, diện tích nuôi sẽ tăng lên hơn 651.200 ha và năng lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 30% so với năm 2017.
Tuy nhiên, việc cung cấp điện trong nuôi tôm cũng gặp khó khăn do sự tăng trưởng nhanh của phụ tải so với khả năng đầu tư của ngành điện để đáp ứng khả năng truyền tải, phân phối của lưới điện khu vực.
Theo đánh giá của Tổng công ty Điện lực miền Nam, việc đầu tư nguồn điện cho nuôi tôm gặp phải nhiều khó khăn như: việc đầu tư theo quy hoạch với việc đồng bộ cơ sở hạ tầng chưa song hành.
Hiện chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành như: hạ tầng cung cấp điện, quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả và an toàn điện, quản lý môi trường.
Đa số các hộ nuôi tôm đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng làm tiêu thụ điện năng cao dẫn đến quá tải điện lưới khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện.
Bên cạnh đó, việc cung cấp điện phục vụ các hộ nuôi tôm theo mùa vụ gặp nhiều khó khăn do các hộ nuôi nhỏ lẻ, thời vụ.
Việc sử dụng kết hợp nuôi tôm với công suất lớn cũng gây mất cân bằng phụ tải làm gia tăng tổn thất điện năng và không đảm bảo điều kiện vận hành…
Từ khó khăn trong việc cung cấp nguồn điện hiện nay cho nuôi tôm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam Nguyễn Văn Lý cho biết, đơn vị đã đề xuất nghiên cứu và triển khai hệ thống năng lượng mặt trời trong nuôi tôm.
Hệ thống điện mặt trời nối lưới trong nuôi tôm sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực như phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của đất nước ngày càng văn minh và hiện đại.
Cùng đó, tăng tính mỹ quan của công trình, nâng cao hình ảnh về công nghệ năng lượng tái tạo và đề cao tinh thần tiết kiệm điện từ lưới điện quốc gia.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện, giảm phát thải khí khó CO2 ra môi trường.
Ngoài ra, tận dụng mặt đất, mặt nước trong nuôi tôm để xây dựng công trình giá trị gia tăng, giảm giá thành trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường...
Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng cho hay, các lợi ích thiết thực của năng lượng mặt trời trong nuôi tôm nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng một phần cho hệ thống tải tiêu thụ; giảm nhiệt độ cho một phần ao nuôi tôm; tiết kiệm chi phí vận hành, tăng tính ổn định...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liệu, ông Vương Phương Nam bày tỏ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp, 318 hộ dân đã và đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cùng nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh có sử dụng điện.
Tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo như: Nhà máy điện gió Bạc Liêu (quy mô công suất 99,2MW) đã được đưa vào sử dụng; tỉnh cũng đang thúc đẩy tiến độ của 4 dự án đã có trong quy hoạch…
Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn 15 dự án điện gió khác với tổng công suất gần 3.000MW đang trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch.