Hài hòa xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch
Trước thông tin phía Mỹ áp dụng nhiều rào cản thương mại, cùng lúc hình ảnh cá tra Việt Nam bị “bôi xấu” ở thị trường EU, nhiều người khá lo lắng cho đầu ra của cá tra Việt Nam. Thế nhưng, tín liệu lạc quan vẫn xuất hiện ở các thị trường khác.
“Thực tế không diễn ra theo chiều hướng xấu. Có sự thay đổi thú vị. Thị trường này giảm, thì thị trường kia tăng”, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) nhận định.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi. Nhưng giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng. Năm 2014 chiếm 6,4%, năm 2015 là 10,3%, năm 2016 là 17,8%, trong 6 tháng đầu năm 2017 chiếm 20,5%. Dự báo trong năm 2017, Trung Quốc sẽ có thể vượt qua Mỹ, dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định: Các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải nữa mà vào sâu bên trong nội địa (Hồ Bắc, Tứ Xuyên). Trung Quốc hiện là thị trường tiềm năng nhưng đang là điểm nóng thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, việc kiểm soát hàng hóa qua đường tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra. Thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá tra xuất sang TQ cũng dần sẽ theo những tiêu chuẩn nhất định mà phía Trung Quốc yêu cầu.
“Thị trường cá tra đang rất thuận lợi khi Trung Quốc đã mở cửa nhập chính ngạch. Người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần phối hợp chặt, nắm bắt thị trường, cân đối diện tích nuôi cho hợp lý để tránh rủi ro. Đối với thị trường Trung Quốc, vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp cần có giải pháp tích cực hài hòa giữa thị trường tiểu ngạch và chính ngạch. Tránh cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng lẫn nhau”, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra
“Neo thị trường” và phục vụ ẩm thực
Các chuyên gia cá tra cho rằng Mỹ đang đưa ra nhiều “hàng rào” đối với sản phẩm cá tra Việt Nam, khó khăn và nhiều thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam. Song, người Mỹ cần sản phẩm cá tra, không thể triệt tiêu ngành hàng này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải kiên trì và có giải pháp hữu hiệu để trụ vững ở thị trường Mỹ và EU (chiếm khoảng 30% trong cấu trúc thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam). Việc “neo” cá tra ở thị phần này sẽ duy trì sự đa dạng hóa thị trường, giữ uy tín và thương hiệu của cá tra Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nay, có 14 doanh nghiệp thủy sản đang tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp có khối lượng và giá trị xuất khẩu lớn.
VASEP cho biết thêm, do dự báo được những khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ nên doanh nghiệp tìm cách mở rộng thị trường, trong đó đáng chú ý là thị trường Mexico có giá trị tăng trước hơn 31%, Brazil tăng hơn 46%, Colombia tăng gần 16% giá trị so với cùng kỳ.
Ngoài ra, thị trường Trung Đông như Ả rập Xê út cũng có giá trị tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ. VASEP kỳ vọng, hai quý cuối năm nay, những thị trường này vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu cá tra so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn. Đó là lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra phi lê sang nhiều thị trường. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại cần cá tra gần như nguyên con (có đầu, đuôi…). Hiện người dân Trung Quốc rất thích các món ăn chế biến từ cá tra. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng chuẩn bị cho việc chuyển đổi một phần chế biến cá tra phi - lê sang công nghiệp chế biến ẩm thực. Cần hiểu rõ thị trường Trung Quốc đang xem các món ăn thủy sản là “thời thượng”. Nếu tìm hiểu kỹ và chế biến sâu thì khả năng cơi nới thị trường là rất lớn.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, để xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới, hiệp hội sẽ tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới; từng bước lập sàn giao dịch thủy sản, thực phẩm. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam. Về chiến lược thị trường, hiệp hội sẽ tập trung phát triển các thị trường có sẵn (Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông); Thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá tra; tập trung sản xuất con giống tốt gắn với nghiên cứu, ứng dụng và tuyên truyền khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống, nuôi, thức ăn…
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến giữa tháng 8-2015, ĐBSCL đã thu hoạch 2.120ha cá tra, sản lượng đạt 650.000 tấn. Trong đó, cao nhất là tỉnh Đồng Tháp với 271.500 tấn, tiếp theo là Bến Tre với 107.500 tấn. Giá cá tra đứng ở mức cao ở các tháng đầu năm 2017, khoảng 24.000 đồng - 27.000đồng/kg. Hiện giá có giảm chút ít nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 23.000 đồng/kg, nông dân có thể đạt lợi nhuận khoảng 4.000 đồng/kg cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 850 triệu USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.