Đủ chứng cứ, vì sao tòa vẫn “hoãn”?
Khi đó, vào cuối tháng 10/2009, qua phản ánh của các đại lý tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng tại Mỹ, TUFOCO biết SAFOCO cũng sản xuất bánh tráng tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “Bụi tre” và có hình “Bụi tre” sang thị trường Mỹ có nhãn hiệu bao bì gần như trùng lặp, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của TUFOCO. Đây là việc làm giả mạo, bởi TUFOCO từ năm 2006 đã đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu “Ba cây tre” và hình “Ba cây tre” tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ngoài ra, thương hiệu “Ba cây tre” và hình “Ba cây tre” còn được TUFOCO đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Mỹ và nhiều quốc gia khác vào thời điểm đó (?).
Không chỉ vậy, dù sản phẩm “Bụi tre”, dưới ghi SAFOCO là hàng nhái, nhưng đơn vị này còn ngang nhiên ghi ® (Registered - Nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ) trên bao bì, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, gây rất nhiều thiệt hại cho TUFOCO bởi theo ông Nước: “Bánh của chúng tôi là sản phẩm truyền thống, có mùi, vị ngon hơn nhiều, rất đặc trưng miền Tây”.
Quay trở lại phiên tòa sơ thẩm. Về hành vi khiến mình bị kiện, đại diện SAFOCO chỉ biết nói: “Chúng tôi không biết việc này”; “Chúng tôi không xuất khẩu bánh tráng qua Mỹ”; “SAFOCO là doanh nghiệp lớn”... Đại diện SAFOCO “tự tin” phủ nhận toàn bộ, trong khi phía TUFOCO đã đưa ra rất nhiều chứng cớ có giá trị pháp lý cao: Giấy tờ nhập khẩu của I&T Enterprise (Mỹ), nhập “Bánh tráng bụi tre” từ SAFOCO; Giấy tờ vận chuyển hàng cho SAFOCO của hãng tàu WAN HAI LINES (Đài Loan) từ Cát Lái (TP.HCM) đi Long Beach (Mỹ); băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa nhà báo Minh Sơn (Báo Người Lao động) và bà Tổng Giám đốc SAFOCO Phạm Thị Thu Hồng với nội dung “có xuất khẩu hơn 4 tấn bánh tráng đi Mỹ”...
Với ngần ấy chứng cớ có giá trị pháp lý, nhưng chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Bình lại “lái” sang “Cần có giấy tờ của Cục Hải quan TP.HCM chứng minh SAFOCO có xuất hàng đi Mỹ hay không” rồi hỏi nguyên đơn: “Có đề nghị tòa ra quyết định thu thập chứng cớ?” (dù đó là việc “nhẹ” mà tòa phải làm từ lâu, sau khi “ngâm” hồ sơ 4 năm), rồi tuyên “hoãn” (?)
Cố tình “kéo” và “hoãn”?
Trao đổi với chúng tôi về phiên tòa này, một luật sư nổi tiếng tại Tiền Giang đánh giá: Vụ kiện này quá đơn giản! Và ông nghi vấn “có thể” HĐXX đã cố tình kéo dài và hoãn không cần thiết! Dự khán toàn bộ phiên sơ thẩm đầu tiên, chúng tôi thấy đánh giá trên không phải vô căn cứ.
Thứ nhất, phiên tòa đã thiếu sót về thủ tục tố tụng, đó là sự vắng mặt không lý do của Nhà báo Minh Sơn, nhân chứng quan trọng nhất biết việc SAFOCO có xuất khẩu bánh tráng đi Mỹ (mâu thuẫn với lời khai của đại diện SAFOCO tại tòa: Không xuất đi Mỹ)! Đồng thời, để xác thực băng ghi âm, HĐXX cũng cần triệu tập bà Phạm Thị Thu Hồng để phục vụ việc giám định giọng nói... Nhưng chủ tọa đã lơ đi.
Thứ hai, TUFOCO trước đó đã khởi kiện hệ thống siêu thị SF Superstore tại Mỹ về việc nhập khẩu và tiêu thụ bánh tráng nhái nhãn hiệu “ba cây tre” của Tufoco. Tòa án Liên bang Hoa Kỳ tại California đã xử hệ thống siêu thị SF Superstore bồi thường cho TUFOCO 60.000 USD và cung cấp các chứng từ nhập lô hàng nhái nhãn hiệu ba cây tre, có ghi rõ tên sản phẩm là “bánh tráng bụi tre” của Safoco. Đây là chứng cớ mà đại diện TUFOCO đã phải lặn lội sang tận Mỹ để lấy về, rất có giá trị pháp lý (do được Tòa án Liên bang Hoa Kỳ thông qua). Không hiểu sao ông Nguyễn Văn Bình lại chẳng ngó ngàng?
Một chi tiết rất “hài hước” tại phiên tòa này là việc Chủ tọa Nguyễn Văn Bình không chỉ “lơ” những chứng cớ nhiều giá trị pháp lý, mà chủ yếu “xoáy” vào vị đại diện nguyên đơn- người bị hại, còn người bị tố cáo “nhái” thì chỉ phải trả lời vài câu chiếu lệ rồi “ngồi chơi” (?)
Sau khi nghe hoãn, một phóng viên thở dài: “Đã nói là hoãn chắc! Châu chấu đá xe mà!”. Còn người viết dù đã “nuốt” từng lời tại phiên xử cũng không thể tìm một mẩu lý, tình, vô tư, công tâm của vị “cầm cân nảy mực”.