Nhân rộng mô hình sản xuất sạch
Hợp tác xã (HTX) Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ gồm 21 thành viên, hiện đang liên kết cùng Tập đoàn Sao Mai nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong bối cảnh giá cá tra nguyên liệu lên xuống thất thường, xuất khẩu liên tiếp gặp trở ngại, thì nhiều năm trở lại đây, người nuôi cá tra trong HTX Thới An dường như "miễn nhiễm" với những biến động của thị trường. Nguyên nhân, do cá tra tại đây được sản xuất theo quy trình khép kín từ giống, thức ăn, nguồn nước đến việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu như kháng sinh, hóa chất... Ðại diện HTX Thới An Huỳnh Thanh Rỡ cho biết: Hiện HTX có bảy ao nuôi với hơn 18.000 ha mặt nước. Từ ngày vào HTX và liên kết sản xuất tiêu thụ với Tập đoàn Sao Mai, các hộ nuôi đều thấy "nhẹ người". Tiêu chuẩn VietGAP khắt khe, nhưng đều có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình cho nên thực hành không khó. Ðến vụ thu hoạch thì đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá cá được ký hợp đồng ngay từ đầu cho nên không lo đến sự lên xuống của thị trường.
Cùng với cá tra, con tôm - sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản cũng đang được quan tâm đặc biệt về chất lượng, thông qua việc hình thành nhiều vùng nuôi VietGAP, GlobalGAP, đặc biệt là nuôi hữu cơ. Tại tỉnh Sóc Trăng, mô hình nuôi tôm VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ tham gia mô hình, thu lợi nhuận đạt gần 400 triệu đồng/ha, tăng khoảng 20% so với nuôi không áp dụng VietGAP. Ngoài ra, do không sử dụng hóa chất kháng sinh cho nên đã hạn chế các vấn đề về môi trường, dịch bệnh, giải quyết được phần nào những khó khăn, thách thức của ngành nuôi tôm hiện nay.
Không chỉ đi theo mô hình VietGAP, tại tỉnh Cà Mau hiện phát triển nuôi tôm theo hướng hữu cơ, nhờ lợi thế từ hệ thống rừng ngập mặn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có 2.000 hộ dân và bốn doanh nghiệp liên kết nuôi tôm sinh thái theo hướng hữu cơ, sản lượng tăng 15% so với cách nuôi trước đây. Hiện có một diện tích lớn nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn của Cà Mau được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, như Naturland, EU Organics, tăng lợi ích và giá trị cho người sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Tiêu biểu trong hướng nuôi tôm hữu cơ là Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Văn Quang, Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết với nhà nông nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Theo đó, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn hữu cơ giúp nông dân trực tiếp tham gia nuôi tôm, tạo nguồn nguyên liệu sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao, giá bán cũng tăng thêm từ 10 đến 30% so với hiện nay.
Có thể thấy rõ hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường từ cách thức nuôi trồng thủy sản sạch, nhưng thực tế toàn vùng ÐBSCL hiện có rất ít diện tích được chứng nhận VietGAP. Còn lại các tiêu chuẩn mang tầm quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP... cũng chỉ được chứng nhận tại các vùng nguyên liệu của một số doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, sản xuất theo hướng hữu cơ mới chỉ bắt đầu xuất hiện với những bước đi đầu tiên. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình cho hay: Chưa tính đến các tiêu chuẩn quốc tế, ngay như tiêu chuẩn VietGAP đối với nuôi trồng thủy sản hiện cũng gặp nhiều khó khăn khi nhân rộng, do có đến 104 tiêu chí, áp dụng nuôi cần có lộ trình. Mặt khác, chi phí đánh giá và tái đánh giá cao, dẫn đến tình trạng không duy trì được chứng nhận. Một khó khăn nữa là cán bộ có trình độ chuyên môn, am hiểu về VietGAP còn thiếu, trong khi nhiều hộ chưa thấy hết lợi ích, tầm quan trọng phải áp dụng VietGAP, nên lơ là khi thực hiện.
Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước cũng là nguyên nhân khiến nuôi trồng thủy sản sạch ở ÐBSCL khó triển khai trên diện rộng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Anh Thư phân tích: "Tại các tỉnh thượng nguồn (An Giang, Ðồng Tháp), chất lượng nguồn nước các kênh rạch ngày càng ô nhiễm, do nước về ít trong mùa lũ, nên không đủ lưu tốc cuốn trôi các chất thải từ ao nuôi cá tra, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng mầm bệnh trong nước làm tăng nguy cơ dịch bệnh trên cá tra thương phẩm. Khi đó, nhiều hộ nuôi không tuân thủ quy trình trị bệnh khoa học, mà nôn nóng sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, khiến chất lượng thủy sản giảm sút. Không có giải pháp thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này, thì thật khó để thực hành các tiêu chuẩn sạch".
Cần sự quyết tâm từ nhiều phía
Mặc dù tôm và cá tra là hai sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản, nhưng những năm gần đây, nguy cơ dịch bệnh cũng như mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của cả hai ngành hàng này. Vì vậy, áp dụng các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu trong vấn đề nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ Trần Thanh Hải cho rằng: "Ðối với ngành nuôi cá tra hiện nay, việc chứng nhận mã số vùng nuôi, đăng ký diện tích, sản lượng mới chỉ là hình thức, chưa có ràng buộc pháp lý, nên không quản lý được sản lượng và chất lượng cá xuất khẩu. Thời gian tới, để quản lý tốt cần quy hoạch diện tích nuôi cá tra của toàn vùng, rồi chia làm các khu khác nhau. Tất cả hộ nuôi cá tra sẽ tập hợp trong các khu nuôi đó, áp dụng theo một tiêu chuẩn nuôi nhất định, như VietGAP, GlobalGAP, ASC... Như thế, vừa dễ quản lý về sản lượng, vừa kiểm soát tốt về chất lượng, đồng thời tập trung đầu tư tốt hơn về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ngoài ra, việc sản xuất cần có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cùng đàm phán để phân chia thị trường từ nội địa đến châu Âu, châu Mỹ..., từ đó có hướng sản xuất theo đúng tiêu chuẩn mà đối tác tiêu dùng và nhập khẩu yêu cầu".
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Dương Nghĩa Quốc khẳng định: Phải giải quyết dứt điểm tình trạng các địa phương ồ ạt nuôi cá tra. Một mặt siết lại quy hoạch vùng, mặt khác phải chấp nhận quy luật đào thải. Theo đó, những người nuôi nhỏ lẻ phải liên kết thành những HTX với vùng nuôi theo đúng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Còn như hiện nay, toàn vùng có 4.785 ao nuôi cá tra thương phẩm, nhưng trong đó chỉ có vỏn vẹn 32 ao nuôi của HTX hoặc tổ hợp tác. Nhìn vào tỷ lệ đó đã thấy sản xuất manh mún và khó áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch.
Ðối với con tôm cũng vậy, đã đến lúc không thể thả nuôi theo phong trào, mà phải theo quy hoạch về diện tích, sản lượng và chất lượng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết: "Năm 2017, tỉnh chủ trương xây dựng thêm nhiều mô hình đạt chứng nhận quy phạm nuôi tốt, như VietGAP, ASC, tiến tới đạt 2.000 ha tôm nước lợ đủ chuẩn VietGAP vào năm 2020. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh giám sát thực hiện quy hoạch; xây dựng kế hoạch thời vụ nuôi tôm hợp lý; tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, đề tài, dự án thúc đẩy người nuôi theo hướng có trách nhiệm, dần hướng tới hình thành, nhân rộng nhiều vùng sản xuất thủy sản theo hướng hữu cơ. Việc này không dễ thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng nếu các địa phương không quyết tâm, chung tay từng bước thực hiện thì nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung - ngành kinh tế thế mạnh của toàn vùng, chắc chắn sẽ sớm sa sút do những đòi hỏi về chất lượng của thị trường hiện đã đi trước so với sản xuất".
Hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang đứng trước quá nhiều rào cản kỹ thuật từ phía đối tác nhập khẩu, do dư lượng thuốc kháng sinh, sử dụng chất cấm trong sản xuất thủy sản vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, chúng ta đang cho phép nhập khẩu quá nhiều chủng loại thuốc thú y thủy sản, nhưng lại chưa có sự phối hợp giữa các ngành liên quan về quản lý, khiến người nuôi tùy ý mua, bán, sử dụng, dẫn đến sản phẩm xuất khẩu khó kiểm soát dư lượng kháng sinh.
(Tổng Thư ký VASEP TRƯƠNG ÐÌNH HÒE)