Liên tiếp những ngày gần đây, địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa trên diện rộng, một số nơi xuất hiện mưa to; lượng nước đổ về hồ Thủy điện Tuyên Quang lớn. Để đảm bảo an toàn cho hồ chứa, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đã phải tiến hành mở 3 cửa xả đáy, tháo nước về phía hạ lưu.
Các hộ dân thôn Đầu Cầu trục vớt cá nuôi trên lồng bè tại sông Gâm trong ngày thủy điện xả lũ.
Mực nước hạ lưu sau công trình thủy điện lập tức dâng cao, tốc độ nước lớn đã làm 35 lồng nuôi cá của gia đình ông Bùi Phương Diện, ở thôn Đầu Cầu, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa (về phía hạ lưu thủy điện Tuyên Quang) bị nước cuốn trôi. Các lồng cá này mắc vào đập Thủy điện Chiêm Hóa cách địa điểm nuôi cá của trang trại gần 1km. Hơn 70 tấn cá chủ yếu là cá lăng chấm, cá diêu hồng và cá rô phi của gia đình ông Diện đã bị chết.
Theo ông Diện thì: Mặc dù gia đình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gia cố, bố buộc dây chẳng khá chắc chắn quanh các lồng nuôi cá, nhưng do lượng nước đổ về nhanh và quá lớn nên các dây chằng đã bị đứt, cả bè cá bị cuốn phăng. Thiệt hại ước tính hơn 4 tỷ đồng.
Ông Bùi Phương Diện, chủ trang trại cá Sông Gâm thôn Đầu Cầu, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nói: “Đêm ngày 29.6, tôi nhận được thông báo nước của thủy điện Na Hang xả lũ. Gia đình tôi đã chuẩn bị rất cẩn thận, bố phòng dây buộc, thay dây mới cho chắc chắn. Nào ngờ lượng nước của thủy điện quá lớn, nước chảy siết nên cả bè cá gồm 35 lồng của nhà tôi đã bị cuốn dạt xuống nhà máy thủy điện huyện Chiêm Hóa. Đến chiều ngày 30.6, lực lượng cứu hộ của tỉnh, huyện và người dân trong vùng đã giúp tôi đưa bè cá về”.
Sau khi tìm được bè cá; trong tổng số 35 lồng cá của ông Diện thì có tới 29 lồng cá mất trắng, 6 lồng còn lại khoảng 1 tấn cá/lồng. “Ước tính thiệt hại riêng cá là 70 tấn nhân với giá 50.000 đồng/kg, gia đình tôi mất 3,5 tỷ đồng, cộng với việc hỏng lồng cá là khoảng 300 triệu đồng, tổng thiệt hại lên tới gần 4 tỷ đồng”- ông Diện nói như khóc.
6/35 lồng cá của ông Diện tuy chưa hỏng hẳn nhưng cũng chỉ thu được khoảng 1 tấn cá, phần lớn đã chết.
Hiện nay, các bè nuôi cá của ông Diện đã được các cơ quan chức năng huyện Chiêm Hóa và người dân địa phương hỗ trợ kéo về nơi neo đậu an toàn. Tuy nhiên, phần lớn đã bị hư hỏng nặng, khó có khả năng khắc phục.
Ông Nguyễn Công Nông- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Không riêng nhà ông Diện bị thiệt hại trong trận mưa lũ và xả lũ của thủy điện Tuyên Quang, trong những ngày vừa qua tại Tuyên Quang đã làm nhiều nhà dân bị hư hại; nhiều công trình thuỷ lợi, cầu cống hư hỏng; một số đoạn đường liên thôn, liên xã tại các địa phương bị sạt lở; gần 68ha lúa, hoa màu bị ngập chìm trong nước. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại và sẽ có hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân theo quy định”.