Chị Võ Thị Thịnh, cán bộ chủ trì mô hình cho biết: "Cá rô phi là loài dễ nuôi, lớn nhanh, chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật nuôi không quá khó, con giống chủ động, giá bán phải chăng, chất lượng thịt tốt, dễ chế biến nên rất được người tiêu dùng lựa chọn.
Những năm gần đây, nhiều mô hình nuôi cá rô phi thâm canh đã phát huy có hiệu quả tại các vùng đất trồng lúa nhiễm phèn và vùng nuôi tôm hay bị dịch bệnh. Vì vậy, chúng tôi chọn Phù Lưu, là một xã thuần nông, đời sống người dân còn thấp, khó khăn trong việc phát triển các mô hình sản xuất để thực hiện, nhằm nâng cao thu nhập, tìm hướng đi mới cho địa phương trong xây dựng NTM."
Kiểm tra trọng lượng cá
Mô hình được áp dụng tại hộ chị Đặng Thị Long (xóm Thái Hòa) với quy mô 0,6 ha. Sau khi lựa chọn, tháng 4/2018, cán bộ chủ trì mô hình chỉ đạo hộ tham gia mô hình chuẩn bị ao hồ đảm bảo tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật để chuẩn bị thả giống; tổ chức mua, cấp giống, thức ăn và chế phẩm sinh học, giám sát phần đối ứng của hộ dân và chỉ đạo chăm sóc và quản lý đàn cá đã thả nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật.
Tiếp đó, Trung tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi trong ao đất theo cho bà con địa phương xây dựng mô hình trình diễn; chỉ đạo chăm sóc và quản lý đàn cá đã thả nuôi đúng quy trình kỹ thuật.
Sau 4 tháng thả nuôi (từ ngày 21/4 đến 31/8), cá sống đạt tỷ lệ 85%, cỡ cá thu hoạch 0,5 - 0,7 kg/con, sản lượng đạt 9,1 tấn.
Cá đạt trung bình từ 0,5-0,7 kg/con
Chị Đặng Thị Long cho biết: Sau 4 tháng nuôi, tôi thu 367 triệu, lãi ròng 71 triệu. Qua thực tế theo dõi tốc độ tăng trưởng về khối lượng cho thấy cá có tốc độ lớn nhanh, thân dày, cân đối, tỷ lệ thịt cao, màu sắc tươi sáng. Thương lái đánh giá cao về chất lượng đàn cá của tôi.
Thành công của mô hình giúp bà con có cơ hội lựa chọn đối tượng, loại hình nuôi mới có hiệu quả vào sản xuất để tăng thu nhập trên cùng một diện tích mặt nước.