Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận “phía trước chúng ta là "hải trình" hướng đến mục tiêu vì một nền thủy sản "minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập", vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Ngành thủy sản chúng ta với 3 trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản là giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển; cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường...”
Đồng thời, nhân sự kiện 65 năm truyền thống ngành thủy sản, tiến hành tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch; rà soát xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, thiết thực như phát động ra quân xử lý các hành vi khai thác thủy sản tận diệt; phát động phong trào thi đua nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả; thi đua thực hiện hoàn thành kế hoạch chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (lUU)… Tháo gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ hàng đầu và cũng hướng đến ngành thủy sản xanh cho thế hệ mai sau. Vì việc khai thác bất hợp pháp, khai thác không theo quy định, khai thác không báo cáo điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này.
Kỷ niệm sự kiện 65 năm truyền thống ngành thủy sản, tiến hành tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch
Những hành vi được coi là khai thác bất hợp pháp bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm luật pháp quốc gia hay quốc tế, có nghĩa là khai thác không có giấy phép, báo cáo sản lượng thấp hơn thực tế, đánh bắt cá nhỏ hơn kích cỡ cho phép, đánh bắt ở vùng cấm sử dụng công cụ đánh bắt đã bị cấm, trung chuyển thủy sản bất hợp pháp...; hoặc vi phạm các quy định khác của luật pháp trong nước và khu vực, quốc tế.
Khai thác không theo quy định bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực biển mà ở đó không áp dụng các biện pháp quản lý hay khu bảo tồn quốc gia, quốc tế. Khai thác không theo quy định không phải là khai thác bất hợp pháp, mà có thể xảy ra đối với một nghề không được quản lý trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước hoặc ở trong vùng biển chung.
Khai thác không báo cáo bao gồm các hoạt động khai thác thủy sản không được báo cáo chính xác cho các cơ quan quản lý. Khai thác không báo cáo thường liên quan đến việc thu thập, cung cấp dữ liệu kém hoặc quản lý nghề cá yếu. Thiếu sót trong báo cáo cũng có thể là sự che giấu hoạt động bất hợp pháp.
Việt Nam đã bị Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) từ tháng 10/2017. Việt Nam bị rút "thẻ vàng", đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất. Sau hơn 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" với trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực. Hướng tiếp theo cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục “thẻ vàng”, đưa ngành hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm 7-9%; đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững.
EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng
Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, sống xanh… được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người sản xuất ngành thủy sản nên xem việc chủ động sớm bắt nhịp theo xu hướng phát triển xanh là một trong những chiến lược sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo nền tảng cho việc đạt các chứng chỉ xanh, hay các tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu khó tính, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… có giá bán cao và thuế suất ưu đãi.
Ngoài ra, còn có phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tiếp tục bố trí kinh phí để duy trì hoạt động thả giống thủy sản tại các vùng nước ở địa phương nhằm khôi phục, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân tích cực tham gia các hoạt động về thả giống phục vụ tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và hướng tới việc xã hội hóa hoạt động này.