Những tháng đầu năm, giá cá tra có thời điểm tăng lên 26.000 đ/kg, giúp người nuôi có lợi nhuận và nhiều hộ “treo ao” thả cá trở lại kéo theo nhu cầu giống cá tăng vọt. Tuy nhiên, nguồn cá giống chất lượng cung không đủ cầu.
Vĩnh Long: nguồn giống chỉ đáp ứng 20%
Theo Chi cục Thủy sản Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) dự báo, trước tình hình giá cá tra nguyên liệu tăng cao nên khả năng diện tích thả nuôi trong tháng 3 sẽ tăng.
Theo khảo sát của chi cục thì nhu cầu con giống thả nuôi thương phẩm của các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2017 ước khoảng 53,3 triệu con (130ha), do diện tích chưa thả lại trong tháng 2 là trên 115ha và một số diện tích treo ao sẽ có khả năng thả nuôi lại.
Theo số liệu của Chi cục Thủy sản, hiện nay Vĩnh Long có 3 cơ sở sản xuất giống gồm: Trại Giống thủy sản (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh) quy mô sản xuất 5,8ha; Trung tâm Giống thủy sản xã Phú Thành (Trà Ôn, thuộc Công ty Thủy sản Caseamex Cần Thơ) với quy mô 3,72ha; Trại sản xuất giống của Công ty Greenfeed với 1ha.
Trong đó, Trại Cá giống thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long, đang lưu giữ và khai thác 369 con bố mẹ; Trung tâm Giống thủy sản Trà Ôn đang lưu giữ 675 con cá bố mẹ; Trại giống của Công ty Greenfeed đang lưu giữ và khai thác 4.000 con bố mẹ.
Dù vậy, đàn cá bố mẹ của các đơn vị này đã khai thác nhiều năm (khoảng 7 năm tuổi), nên đang có nhu cầu bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ mới.
Chính vì thế, việc tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bàn tỉnh có được đàn cá bố mẹ chất lượng, đảm bảo số lượng và chất lượng cung cấp cho người nuôi trong thời gian tới là một nhu cầu thiết yếu.
Vì hiện nay các cơ sở nuôi ở Vĩnh Long hầu hết đều nhập con giống từ các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, An Giang… chất lượng rất kém và tỷ lệ hao hụt rất cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quản sản xuất của người nuôi.
Thực tế, trong năm 2016, sản lượng giống cá tra sản xuất tại Vĩnh Long chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu con giống của tỉnh.
Cụ thể, có 3 cơ sở sản xuất cá tra bột với công suất khoảng 2.030 triệu bột/năm, trong đó Trại giống cấp 1 trực thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long đã đưa vào hoạt động và sản xuất cá bột phục vụ cho nuôi thủy sản của tỉnh với năng lực sản xuất khoảng 1.000 triệu bột/năm.
Còn lại 2 cơ sở còn lại với năng lực sản xuất 1.030 triệu bột/năm. Tuy nhiên, thực tế trong năm này chỉ đạt 375 triệu cá bột, giảm 9,4% (36 triệu) so với cùng kỳ năm 2015.
Cùng với đó, 36,09ha diện tích ương cá tra giống (39 cơ sở, giảm 14 cơ sở); sản lượng giống ước đạt 20,77 triệu con, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Cung không đủ cầu
Bà Phạm Thị Thu Hồng- Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết do những năm trước thua lỗ liên tục, nhiều cơ sở sản xuất cá giống phải ương nuôi cầm chừng và ít quan tâm đến đầu tư đàn cá bố mẹ nên khi nhu cầu cá giống tăng lại không sản xuất kịp.
Hơn nữa, do đang là thời điểm đầu vụ nên các cơ sở sản xuất bột đang chuẩn bị kiểm tra cá bố mẹ cho đẻ nên chưa có cá bột thả ương nhiều.
Hiện toàn tỉnh chỉ có 18,45ha (26 cơ sở tập trung ở các huyện Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm và Bình Tân, con số này cũng đã giảm so với năm 2016) đang ương giống với sản lượng ước khoảng 18.440.000 con giống, kích cỡ từ 1- 3cm và kế hoạch thả giống ương nuôi nhiều tập trung từ đầu tháng 3 khi các cơ sở sản xuất giống bắt đầu sản xuất cá bột.
Trong khi đó, vùng nuôi cá tra tại ĐBSCL cũng đang thiếu hụt con giống trầm trọng. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, mỗi năm ĐBSCL cần hơn 30 tỷ cá tra bột để ương giống phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu, nhưng khâu này chưa được quan tâm, chất lượng con giống không bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Hiện nay, giá con giống khoảng 25 con/kg (2 phân) đã lên đến hơn 40.000 đ/kg, cao hơn gấp 3 lần trước đây nhưng không có để bán. Không chỉ sụt giảm sản lượng trầm trọng, tình hình ương cá tra giống ở các tỉnh ĐBSCL còn gặp bất lợi do mưa trái mùa; dẫn đến con giống cung ứng cho vụ nuôi mới năm 2017 thiếu và trễ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Dương Ngọc Minh- Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hùng Vương- cho rằng điểm yếu của ngành cá tra là số lượng và chất lượng con giống chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT cần có chính sách đầu tư cơ sở sản xuất giống cá tra, ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương có nhiều thế mạnh về ngành này.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp- PTNT dự báo thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10% và kim ngạch đạt hơn 1,7 tỷ USD. Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL phải giảm công suất vì thiếu nguyên liệu.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm sang hầu hết các thị trường lớn, như Mỹ, Trung Quốc và ASEAN dự báo đều tăng.