Nghề nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều may rủi. Năm nay giá tôm thấp, nắng nóng lại kéo dài nên bệnh tôm xuất hiện nhiều. Ở các khu vực như Tân Thắng, Sơn Mỹ (Hàm Tân) Chí Công, Vĩnh Tân (Tuy Phong)... xuất hiện tình trạng tôm chậm lớn, tôm chết rải rác trong ao và một số bệnh khác. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi trong năm chỉ đạt hơn 8 ngàn tấn. Tình hình nuôi thủy sản nước ngọt ổn định hơn. Toàn tỉnh có hơn 1.500 ha nuôi cá nước ngọt trong ao đất. Không có dịch bệnh xảy ra và thu hoạch gần 4.000 tấn. Ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh có nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên sông với 188 lồng đang thả nuôi. Hồ Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) có diện tích nuôi cá tầm 20.000 m2. Hiện cá đang phát triển tốt, thu hoạch ước đạt 100 tấn cá và hơn 300 kg trứng.
Tỉnh ta có 2 địa phương nuôi cá lồng bè trên biển là đảo Phú Quý và xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Trừ khu vực Vĩnh Tân có hiện tượng cá chết rải rác, khu vực Phú Quý cá phát triển bình thường, không xảy ra dịch bệnh.
Năm nay, việc giám sát hoạt động khai thác ven bờ được ngành chức năng thắt chặt hơn, tàu tuần tra đã liên tục bám biển và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với nghề giã cào bay hoạt động không đúng vùng khai thác. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ vi phạm, trong năm có 68 vụ giã cào bay và 24 tàu giã cào đáy khai thác sai vùng quy định, hơn 100 trường hợp hành nghề lặn không có giấy phép, 22 vụ vận chuyển sò lông trong thời gian cấm bị phát hiện, 1 trường hợp sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản và 1 tàu cá tàng trữ chất nổ trên tàu.
Ngoài tình hình nuôi trồng thủy sản trong tỉnh vẫn ổn định và giữ vững được thương hiệu tôm giống Bình Thuận, các trường hợp vi phạm trong khai thác vẫn còn, nhất là hoạt động giã cào khai thác sai vùng quy định vẫn chưa ngăn chặn triệt để.