Theo cùng những hạt phù sa tưới tắm ruộng đồng, con nước cũng từ từ dâng lên, ngập tràn khắp các tỉnh miền Tây và cư dân xứ này vẫn quen gọi đó là “Mùa nước nổi”. Và như vậy suốt mấy tháng trời cho đến khi nước lên đến đỉnh vào tháng 9, cả một vùng sông nước lại rộn ràng với việc đánh bắt, thả lưới, giăng câu dài theo mặt sông.
Nhưng mấy năm nay nước từ thượng nguồn không về. Mùa nước nổi mỗi năm lại cạn kiệt hơn. Vậy những hệ quả nào đã đi theo cùng nó?
Người nông dân bên đường
Anh Bùi Văn Chuyển, người nông dân nhà ở dưới dốc cầu Kháng Chiến (trước là cầu Cá Rô), xã Bình Thạnh trên đường từ Hồng Ngự về thị trấn Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp niềm nở mời chúng tôi vào nhà uống nước khi ông bạn tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về tình hình mùa nước năm nay.
“Nước nhỏ lắm chú ơi! Mấy năm nay chưa bao giờ nước cạn như vậy,” nói rồi anh đưa tay chỉ xuống phía dưới căn nhà sàn như minh họa thêm: “Mấy cô chú nhìn nè, nhà tôi xây trên giàn cột cao 2 mét. Mấy năm nước nổi, mùa này nước lên chỉ cách mặt sàn khoảng 3 tấc. Giờ nước còn ở phía xa kia, chưa lên tới chân cột nữa đó”.
Đúng là nước chỉ lé đé ngoài kia thiệt. Anh Chuyển còn nói mấy năm rồi nước cũng nhỏ nhưng chưa bao giờ cạn kiệt như năm nay. Trong trí nhớ của người nông dân ngoài 50 tuổi sống bên vệ đường này, những mùa nước nổi xưa dường như vẫn còn tươi rói. Anh kể nhiều lần đến mùa nước lên, có mấy người khách Sài Gòn về ghé nhà, bơi xuồng đi câu cá, ngay dưới sàn nhà chứ xa xôi gì! Nào cá rô, cá linh, cá sặc đủ cả, vừa câu vừa bủa lưới rồi đem cá về đây nấu cơm ăn, ở lại chơi vài ngày, hưởng thụ chút thú vị độc đáo của mùa nước nổi miền Tây. Giờ thỉnh thoảng khách vẫn còn xuống thăm nhưng mùa nước nổi thì đã mù mịt “bóng chim tăm cá”.
Khi nghe hỏi tại sao mấy năm rồi nước không tràn về ngập đồng như trước, câu trả lời của người nông dân chưa bao giờ ra khỏi quê nhà khiến chúng tôi ngạc nhiên: “Thì một phần tại biến đổi khí hậu gây hạn hán, một phần do các nước trên thượng nguồn xây đập thủy điện nên nước từ Biển Hồ không đổ xuống được”.
Đúng là hay thiệt! Một anh nông dân ở vùng biên mà vẫn sát sườn về thời sự như vậy. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Chuyển cứ chép miệng thở dài khi được hỏi về dân tình tại đây. Anh cho biết sống ở vùng “trên cơm, dưới cá” này mà nước không về thì cá kiếm đâu, ruộng thì giống má, phân bón, xăng dầu cứ lên mà lúa rẻ mạt, lại luôn bị ép giá nên hơn trăm hộ trong ấp nhà nào cũng thiếu nợ ngân hàng không trả nổi. Riêng anh, cất lại căn nhà cũng còn nợ hơn 50 triệu, nhà còn 7 công ruộng làm không đủ sống, nước kém vầy là đói.
Chẳng trách mà đám thanh niên vùng này bỏ xứ lên Sài Gòn làm thuê làm mướn hết. Dân làm ruộng 10 phần chỉ còn ba phần, còn cá mắm thì... Nhìn ánh mắt đau đáu của anh Chuyển hướng về dòng nước phía xa như còn đọng lại những mùa nước lành, nước đẹp những năm xưa mà thấy chạnh lòng. Càng chạnh lòng hơn khi anh cất tiếng than dài. Dân ở đây giờ là bần nông hết rồi, thêm vài mùa nước nhỏ như vầy không biết sống ra sao!
Ừ, dân nghèo sống bằng cá, bằng lúa rồi sống sao đây? Có ai trả lời cho sự trăn trở của người nông dân nghèo bên vệ đường tôi gặp sáng nay?
Khi con cá chờ nước
“Ở vùng đất này nước chính là vận mệnh”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, khẳng định một cách dứt khoát như vậy khi chúng tôi đến thăm khu bảo tồn sinh thái ngập mặn đặc trưng của Đồng Tháp Mười, nơi được công nhận là khu Ramsar của thế giới từ năm 2012 và mới đây là khu di tích văn hóa lịch sử với hạng mục “Danh lam thắng cảnh”. Vậy nên nói về những dự án sắp tới, vị giám đốc vườn quốc gia, đứa con của Tam Nông (Đồng Tháp), người thuộc lòng lịch sử nơi này rất hồ hởi bởi những đầu tư tích cực của trung ương, của địa phương để vừa thực hiện tốt tiêu chí Ramsar, vừa phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khoa học lại vừa giữ được dấu tích của Đồng Tháp Mười ngút ngàn xưa. Nói về mùa nước nhỏ năm nay, ông Hùng lắc đầu. Nước nhỏ quá, cá tôm gì cũng không có, dân đánh bắt không thu hoạch được, mùa cá coi như thất thu, thậm chí mất trắng. May ra chỉ có cây năn, loại cây không ưa nước ngọt là còn sống phởn phơ, đợi đến mùa cho củ vào tháng 2, tháng 3 để đàn sếu quay về.
Nói chuyện về con nước nhỏ năm nay (có thể là những năm tới nữa), bất giác tôi nhớ lại lần đến đây cùng bạn bè mấy năm trước. Chợ Tràm Chim năm 2009, dưới sông bao xuồng ghe cập bến, xuồng nào cũng trắng dã cá linh. Cá nhảy xoi xói trên xuồng, trên thau khiến người nhìn mê mẩn. Cá dưới ghe chỉ 3.000 đồng/ký, trên chợ thì 5.000 đồng/ký. Năm đó cả bọn ăn lẩu cá linh bông điên điển, cá linh kho lạt dầm me sống ngon quá là ngon. Chưa kể rùa, rắn, cá lóc bông, cá sặt, cá rô bán đầy chợ. Đẹp nhất là bông súng, những cọng bông súng trắng dài cả bốn năm thước chất dài theo ghe, chiếc ghe trôi êm trên sông nên thơ như trong truyện cổ tích khiến cả bọn bấm máy lia lịa...
Giờ trở lại, ra bến sông phía sau khu du lịch Tràm Chim, cả chục chiếc ghe đang nằm ụ chờ khách. Con nước nhỏ khiến Tràm Chim không còn hút khách du lịch nữa, mấy chiếc xe điện dành đưa khách tham quan quanh đây cũng trỏng trơ buồn. Đúng như lời ông giám đốc vườn quốc gia nói “nước là vận mệnh”, nước không về kéo theo nhiều hệ quả đáng buồn cho cư dân xứ này. Mà đâu chỉ là chuyện đánh bắt của người dân sống nghề hạ bạc, những xóm lưới, xóm thúng ăn theo mùa nước nổi cũng lây lất, khó khăn.
Ấn tượng nhất vẫn là đường đi của những con cá sông theo mùa nước. Ông Hùng kể, các giống cá linh, cá sặt, cá rô đến mùa đẻ trứng phải lên thượng nguồn mà đẻ, trứng nở ra cá con lại theo nước trôi xuống hạ lưu, vừa đi vừa lớn lên dần. Rồi nước dâng cao tràn đồng, cá lên đồng đầy ắp thức ăn lại càng mau lớn, đến mùa nước bắt đầu vực là những chú cá đã béo tròn, nung núc lại ùa xuống sông rạch. Có năm cá nhiều đến nỗi xảy ra hiện tượng “cá bục đồng” và những người đánh bắt có khi phải xả bớt cá để tránh rách cả lưới. Những mùa như vậy chính là mùa nước lành, mùa vàng cho ngư dân Nam bộ dài theo sông Hậu, sông Tiền. Nhắc chuyện cũ, vị giám đốc vườn quốc gia nói thêm: “Nước nhỏ như năm nay, cá không về được thượng nguồn để đẻ. Mà có đẻ được thì cũng èo uột lắm vì cá con không có gì ăn, nước không tràn đồng nên lớp cá con không vào ruộng được, hao hụt gần hết, dần dần cá đồng và các loại thủy sản sẽ tuyệt chủng. Lại thêm nước không đổ xuống nên phù sa ngày càng cạn kiệt, ruộng đồng, cây trái thất thu...”.
Nghe ông Hùng nói, hình dung tình cảnh của “con cá chờ nước” để đẻ, chờ nước để quay vòng trở lại sông rạch mà buồn. Chẳng lẽ một lúc nào đó, chúng ta chỉ còn ăn được những con cá nuôi? Và hình ảnh “cá bục đồng” đẹp đẽ, lạ lùng kia sẽ chỉ còn trong ký ức những bậc lão nông, những ngư dân xứ này?
* * *
Bây giờ đã gần cuối năm, đã qua rồi mùa nước nổi nhưng sao tôi cứ băn khoăn, ray rứt. Rõ ràng là cây cỏ, thiên nhiên cùng chim trời, cá nước bao đời nay vẫn là môi trường sinh thái, là mạch sống cho mọi người. Vì vậy sự nổi chìm của những dòng sông, nhịp thở phập phồng của từng con nước lớn, nước ròng luôn tác động rất sâu đến đời sống cả một vùng châu thổ. Và giá như có cách chuyển đổi nào đó như câu nói của người xưa “cùng tắc biến, biến tắc thông” nhằm ứng phó với những thiên tai, những sự cố để cuộc mưu sinh của những người dân chỉ biết “trên cơm, dưới cá” bớt khó khăn thì tốt biết bao nhiêu!