Với tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là thủy sản nước mặn, nước lợ, trong những năm qua, các tỉnh/thành phố duyên hải miền Trung đã tập trung phát triển NTTS phát huy những tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương.NTTS đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế, đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế vùng nông thôn ven biển, thông qua việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành NTTS miền Trung vẫn còn một số tồn tại, như: cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, chất lượng con giống chưa thực sự tốt, nguồn nhân lực hạn chế, liên kết chuỗi trong sản xuất còn yếu, tổn thất sau thu hoạch lớn, sản phẩm chế biến sâu còn ít chủ yếu là chế biến sơ, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến chưa cao do đó chưa nâng cao được giá trị gia tăng trong sản phẩm. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng sản xuất thủy sản trong thời gian qua.
Để phát triển ngành thủy sản theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững hài hòa với lợi ích kinh tế của các lĩnh vực khác. Ngày 24/3/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định 946/QĐ-BNN-TCTS về việc Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, quan điểm cơ bản của quy hoạch nhằm sắp xếp sản xuất theo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tái cấu trúc ngành Nông nghiệp, để đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tiếp tục đưa nuôi trồng thủy sản miền Trung thành một trong ngành sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường hướng về xuất khẩu với những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, đồng thời đóng góp hiệu quả, thiết thực cho chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36.980 ha, trong đó: diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ là 22.140 ha, nước ngọt 14.840 ha. Diện tích nuôi ao, đầm nước lợ là 19.890 ha, nuôi lồng 68.340 chiếc với tổng thể tích là 1.093.440 m3.
Tổng sản lượng NTTS đến năm 2020 đạt khoảng 158.190 tấn, trong đó: sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đạt 122.310 tấn, nước ngọt đạt 35.880 tấn. Trong đó sản lượng tôm sú đạt 5.140 tấn, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 79.970 tấn sản lượng tôm hùm đạt 1.940 tấn, sản lượng cá biển 10.000 tấn, sản lượng nhuyễn thể 6.410 tấn, sản lượng rong biển 15.000 tấn, sản lượng cua, ghẹ đạt 1.200 tấn, sản lượng hải sản khác đạt 2.610 tấn.
Cung cấp thị trường 100 tỷ con giống hải sản các loại và 400 triệu giống thủy sản nước ngọt. Thu hút và giải quyết việc làm lao động nuôi trồng thủy sản khoảng 80.000 người. Giá trị xuất khẩu thủy sản toàn vùng phấn đấu đạt 1,2 tỷ USD.
Định hướng đến năm 2030: tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36.980 ha, trong đó diện tích phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ đạt 21.770ha, nước ngọt 14.980 ha. Trong đó diện tích nuôi ao, đầm nước lợ duy trì ổn định 19.910 ha, nuôi lồng 78.450 chiếc với tổng thể tích là 1.255.450 m3 . Tổng sản lượng đạt 162.280 tấn, trong đó: sản lượng tôm sú đạt 5.700 tấn, tôm chân trắng đạt 97.720 tấn, tôm hùm đạt 2.140 tấn, cá biển 15.000 tấn, nhuyễn thể đạt 10.840 tấn, rong biển đạt 20.000 tấn, sản lượng cua, ghẹ đạt 1.500 tấn, sản lượng hải sản khác đạt 9.360 tấn.
Để thực hiện tốt mục tiêu, định hướng đã đề ra, trong thời gian tới các cơ quan quản lý từ Trung ương đến các tỉnh khu vực miền Trung cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau: Hoàn thiện cơ chế chính sách; Giải pháp về sản xuất, cung ứng giống; Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư; Quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; Các giải pháp phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; Tổ chức lại sản xuất...
Để triển khai tốt quy hoạch, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần bám sát các nội dung và các nhóm giải pháp đã đề ra trong quy hoạch. Tổ chức giám sát và cụ thể hóa các nội dung trong kế hoạch hàng năm; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Quy hoạch gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.