Theo đánh giá, cá trê vàng và ếch là một trong những đối tượng dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, có giá trị kinh tế cao, ổn định, cho chất lượng thịt thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng và được xem là đối tượng nuôi có triển vọng. Kết quả cho thấy, mô hình vừa tận dụng và phát huy hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, vừa phù hợp để phát triển trên vùng nước ao, hồ, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế hộ.
Anh Trạng đang cho cá ăn
Đến thăm mô hình nuôi cá trê vàng kết hợp nuôi ếch của gia đình anh Nguyễn Minh Trạng và anh Nguyễn Tuấn Khải ở ấp Cống Đá, xã Thuận Thới. Để thực hiện nuôi kết hợp cá trê vàng và ếch, các anh thiết kế 2 vèo nuôi ếch, có diện tích hơn 30m2 và diện tích ao 200m2. Qua thời gian nuôi hơn 3 tháng, tỷ lệ sống của cá trê vàng đạt trên 85%, trọng lượng cá đạt trên 150 gram/con, năng suất đạt trên 400 kg/hộ; tỷ lệ sống của ếch đạt trên 80%, trọng lượng ếch đạt trên 300 gram/con, năng suất đạt trên 350 kg/hộ. Với giá bán 35- 40 nghìn đồng/kg ếch và 45-50 nghìn đồng/kg cá trê, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ còn lãi hơn 10 triệu.
Anh Nguyễn Minh Trạng cho biết, thức ăn cho cá trê và ếch chủ yếu là thức ăn hỗn hợp dạng viên nổi, có độ đạm phù hợp từng giai đoạn phát triển của con nuôi. Ngoài ra, khi nuôi kết hợp sẽ tận dụng được những thức ăn dư thừa của ếch làm nguồn thức ăn cho cá.
Đây là hình thức nuôi kết hợp còn khá mới mẻ đối với đa số bà con nông dân trên địa bàn xã. Do vậy, nông dân phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật vào trong sản xuất, xử lý kịp thời và có hiệu quả các tình huống bất lợi có thể xảy ra.
Ông Tô Văn Em, chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Thới cho biết, việc thực hiên mô hình đã giúp bà con biết thêm những kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mới, từ đó mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất của hộ gia đình. Mô hình nếu được nhân rộng sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nhân dân trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thực hiện thắng lợi cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đa dạng hóa mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Mô hình đã đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nước ngọt và phát triển nghề nuôi các loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả trong sản xuất ở qui mô nông hộ, từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng nguồn thực phẩm thủy sản có giá trị chất lượng cao trên thị trường, tạo điều kiện tăng thêm nguồn thu nhập cho nông dân.