An toàn sinh học (ATSH) đang được áp dụng cho ngành nuôi tôm có thể được định nghĩa là thực hành loại trừ các tác nhân gây bệnh đặc hiệu khỏi các cơ sở sản xuất tôm bố mẹ, các trại giống và các trang trại hoặc toàn bộ khu vực vì mục đích phòng bệnh (Lightner, 2003).
Ở cấp độ trang trại nuôi tôm, ATSH liên quan đến việc nuôi tôm khỏe trong một môi trường được kiểm soát tốt nhằm loại trừ sự du nhập hoặc lan truyền các sinh vật không mong muốn và kể cả việc ngăn ngừa các sinh vật thoát trở lại môi trường tự nhiên.
Để thực hiện tốt an toàn sinh học trong nuôi tôm, người nuôi cần nhận diện các mối nguy gây mất an toàn. Từ đó đưa ra các biện pháp phòng tránh hiệu quả các mối nguy bao gồm:
- Các yếu tố đầu vào: Nguồn nước cấp, tôm giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc…
- Trong quy trình sản xuất: Con người, hệ thống trại/ao nuôi, ao xử lý nguồn cấp, ao xử lý nước thải, phòng thí nghiệm, khu văn phòng, nhà ở và các vật dụng, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm, hàng rào bảo vệ và hệ thống phòng ngừa động vật gây hại, phương tiện vận chuyển, các loại động vật gây hại và mầm bệnh…
- Các sản phẩm đầu ra: Rác thải, nước thải, bùn thải, thức ăn thừa, xác tôm chết…
Mỗi một nguy cơ đều cần được kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân mầm bệnh vào trong hệ thống nuôi trồng thủy sản.
Yếu tố đầu vào
Nguồn nước: Trước khi đưa vào nuôi tôm, nguồn nước phải đảm bảo: Độ pH: 7,5 – 8,5; oxy hòa tan: >5 mg/l; độ kiểm >80 mg/l; độ mặn 15 – 25‰. Hiện nay, có nhiều phương pháp xử lý nước đầu vào như: lọc cơ học, lọc sinh học, xử lý bằng hóa học. Chọn con giống sạch bệnh (SPF), an toàn sinh học, khoẻ mạnh.
Con giống: người nuôi cần lựa chọn chọn giống sạch bệnh (SPF), mua tôm giống từ các cơ sở sản xuất giống an toàn sinh học, theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm thường xuyên và phát hiện dấu hiệu bệnh kịp thời. Nếu phát hiện dấu hiệu của bệnh cần thực hiện các biện pháp kiểm soát và cách ly để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Thả tôm giống với mật độ vừa phải từ 100 – 200 con/m2.
Vật tư: Cần bảo quản vật tư, đặc biệt là thuốc, hóa chất và thức ăn theo hướng dẫn của nhà cung cấp. Chú ý nhất là nhiệt độ và độ ẩm, nếu để trong điều kiện nhiệt độ quá cao, độ ẩm cao thì ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Trong khu vực nuôi, phải đảm bảo thuốc, thức ăn, có kho chứa và để ở vị trí phù hợp.
Quá trình nuôi
Người nuôi cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật từ khâu thiết kế, xây dựng ao nuôi đến việc quản lý chăm sóc, đảm bảo tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao: Biofloc; giám sát tự động; 2 giai đoạn.
Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm nuôi bằng cách đưa vào cơ thể tôm thông qua thức ăn và bổ sung trực tiếp vào ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường sống tốt cho tôm.
Vệ sinh khử trùng các phương tiện ra vào trại nuôi để hạn chế tối đa lây lan mầm bệnh từ môi trường ngoài. Sử dụng dụng cụ như lưới, xô chứa thức ăn, dụng cụ lấy mẫu riêng cho từng ao để tránh rủi ro lây nhiễm mầm bệnh giữa các ao nuôi.
Áp dụng công nghệ nhà lưới sẽ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa ao nuôi với các vật chủ trung gian mang mầm bệnh. Ngoài ra, các lớp lưới sẽ hạn chế ánh sáng trực tiếp xuống ao nuôi giúp giảm việc phát sinh tảo độc trong ao nuôi tôm.
Yếu tố đầu ra
Trong suốt quá trình nuôi tôm giống và tôm thương phẩm việc quản lý các yếu tố đầu ra cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng, yếu tố đầu ra bao gồm các chất thải rắn và nước thải.
Các chất thải rắn người nuôi có thể xử lý bằng thu gom phân loại chất thải và thuê đơn vị thứ 3 để xử lý. Tuy nhiên với nước thải, các nguy cơ về mất an toàn sinh học là cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi nước thải cần phải được xử lý bằng các biện pháp sinh học và hóa học trước khi xả thải ra ngoài môi trường.