Theo đó, để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt – Úc cho rằng, ngành tôm Việt Nam phải thật sự chuyển mình trở thành ngành công nghiệp tôm chứ không thể cứ theo hướng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ như thời gian vừa qua.
Nhận xét mục tiêu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra cho ngành tôm vào năm 2025 là khả thi, ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng, đây là mục tiêu mang tính thử thách rất lớn mà nếu không có những chiến lược cụ thể, không có những giải pháp khoa học để triển khai thì khả năng không đạt được cũng rất cao.
Với góc nhìn của doanh nghiệp, theo ông Tuấn, có một số rủi ro cho mục tiêu này.
Đầu tiên là việc định hình, định vị sản phẩm tôm của Việt Nam trên thị trường thế giới. “Việt Nam không phải là duy nhất trong cuộc chơi này mà hiện nay nhiều nước khác cũng đã bắt đầu tham gia” ông Tuấn nói.
“Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hiện vẫn nằm ngoài tốp 10 nước xuất khẩu tôm lớn nhất nhưng bằng những tiến bộ khoa học công nghệ, họ có khả năng sản xuất được số lượng lớn trong tương lai”, ông Tuấn cảnh báo.
Theo ông Tuấn, câu chuyện của Việt Nam là phải định vị được thương hiệu ngành tôm trên thị trường thế giới để các đối tác thu mua trên thế giới đủ tự tin đến Việt Nam tìm mua tôm của mình.
Về sản xuất, đây là vấn đề mà Việt Nam nên quan tâm hơn. Lý do là thời gian vừa qua, tỷ lệ thành công của người nuôi đang ở mức quá thấp, chỉ từ 25 – 30%, nghĩa là phải nuôi từ 3 đến 4 vụ mới trúng được 1 vụ.
Vì tỷ lệ thành công thấp này nên tất cả sự quan tâm đang được dồn vào khâu sản xuất.
Rào cản của sản xuất là do một thời gian dài vừa qua, khi người dân chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp với mật độ cao, thức ăn sử dụng nhiều đã gây ra một số hệ lụy, trước hết là môi trường đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Sản phẩm tôm tempura chuẩn bị đóng gói. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Ví von cách nuôi tôm của người dân hiện nay không khác gì cách sản xuất du mục ngày xưa, một vùng đất mới sẽ trở thành đất chết khi môi trường bị ô nhiễm, ông Tuấn cho rằng, đây là vấn đề khá nan giải ở thời điểm hiện tại.
Để có thể giải quyết vấn đề này thì cần sự hỗ trợ rất nhiều từ nhà nước vì bản thân người nuôi và cả doanh nghiệp đều không thể làm được.
Lý do được ông Tuấn đưa ra là để phục vụ cho ngành công nghiệp tôm thì cần phải có một cơ sở hạ tầng tương xứng. “Tôi nghĩ với mục tiêu phải xây dựng ngành công nghiệp tôm thì cần phải có giải pháp và chi phí đầu tư chứ không thể làm theo cách cũ để đạt được giá trị gấp 3 lần hiện nay được”, ông khẳng định. Điều này cần một giải pháp đột phá về phía Nhà nước. Trong đó, Chính phủ phải thật sự quan tâm, biến con tôm thành sản phẩm chiến lược quốc gia.
Trước đây, khi Việt Nam chọn cây lúa làm sản phẩm chiến lược quốc gia thì đã có các giải pháp đi kèm, đã có nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào nghiên cứu khoa học, vào con người để hỗ trợ cho ngành thì con tôm lúc này vẫn đang ở bước khởi đầu.
Một trong những chương trình hành động đầu tiên mà Tập đoàn Việt – Úc cũng như các doanh nghiệp ngành tôm rất hy vọng là Chính phủ sẽ chọn một số vùng trọng điểm để đầu tư hạ tầng, bắt đầu từ hệ thống thủy lợi để đưa nguồn nước sạch vào cho người nuôi tôm.
Bên cạnh đó, ở phần đầu vào, con giống rất quan trọng. Để ngành tôm thành công, riêng mảng giống, về mặt quản lý nhà nước cần phải được định hướng một giải pháp mới, một hướng mới là hình thành hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng và quản lý ngành này theo tiêu chuẩn đó.
Đối với doanh nghiệp thì cần phải đầu tư nhiều hơn về khoa học kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ vượt trội trong sản xuất giống để con giống làm ra có chất lượng, giúp người nuôi đạt hiệu quả cao hơn.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt – Úc chia sẻ, doanh nghiệp cũng đang đi theo hướng này bằng câu chuyện xây dựng thương hiệu con tôm hoàn hảo.
Theo định nghĩa của Việt – Úc, con tôm hoàn hảo là phải truy xuất được nguồn gốc hoàn toàn và phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, thương hiệu “con tôm hoàn hảo” sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị của sản phẩm làm ra.
“Thời gian qua, chúng tôi đã tìm hiểu một số thị trường cũng như làm những chương trình cụ thể như tài trợ cho chương trình ẩm thực Australia. Từ đó, một loạt nhà hàng, khách sạn lớn ở Tp. Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề nhờ Việt – Úc cung cấp tôm để phục vụ thực khách”, ông Tuấn cho biết.
Ngoài tôm thương phẩm thì đối với tôm giống, thương hiệu cũng là ưu tiên hàng đầu của Việt – Úc. Thương hiệu bao gồm cả số lượng và chất lượng; trong đó, chất lượng phải ổn định và được duy trì xuyên suốt, còn số lượng phải đủ đáp ứng.
Hiện nay, Việt – Úc đang có hệ thống 7 công ty giống trải dài khắp cả nước với tổng công suất 43 tỷ post/năm. Tại Việt Nam, Việt – Úc đang là đối tác chiến lược của Đại học Cần Thơ và Đại học Nha Trang cùng một số đối tác chiến lược khác trên thế giới để cùng nhau tìm ra các giải pháp mới cho ngành tôm, ông Tuấn nói.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh về nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản, trong đó tôm nước lợ được xác định là đối tượng nuôi chủ lực.
Tính đến cuối năm 2016, diện tích nuôi tôm của tỉnh phát triển khá nhanh đạt gần 131.454 ha, sản lượng đạt trên 110.000 tấn/năm và hiện trở thành tỉnh có diện tích và sản lượng tôm nuôi đứng hàng thứ hai của cả nước.
Công nhân Công ty Cổ phần Seavina đang chế biến tôm tẩm gia vị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Để đạt được kết quả vượt bậc nêu trên, ngay từ những năm đầu mới chuyển đổi theo Nghị quyết số 09 của Chính phủ, tỉnh đã có định hướng và giải pháp thúc đẩy sản xuất cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, trong đó phải kể đến là giải pháp quy hoạch kêu gọi đầu tư phát triển đối với lĩnh vực sản xuất tôm giống.
Từ những cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ ban đầu, đến nay Bạc Liêu đã hình thành được các khu sản xuất tôm giống tập trung với quy mô và năng lực sản xuất tương đối lớn.
Cụ thể toàn tỉnh hiện có 188 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó có 8 công ty, doanh nghiệp sản xuất giống có qui mô lớn, uy tín và thương hiệu trên toàn quốc gồm: Công ty cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu 4 tỷ post/năm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn tôm giống Dương Hùng 2 tỷ post/năm, Doanh nghiệp tư nhân tôm giống Kim Sa 2 tỷ post/năm, Công ty Tôm giống Số 1 là 1,5 tỷ post/năm và 108 cơ sở ương dưỡng tôm giống; công suất thiết kế sản xuất khoảng hơn 35 tỷ post/năm đủ để cung cấp cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cho biết, để tiếp tục giữ được niềm tin và thương hiệu cho tôm giống Bạc Liêu trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch, đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cho các khu sản xuất tôm giống tập trung trên địa bàn tỉnh và sẽ chỉ đạo các ngành tăng cường công tác thanh kiểm tra để hạn chế thấp nhất tình trạng tôm kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường.
Về lâu dài, đặc biệt là trong năm 2017, ông Lân nói sẽ lựa chọn ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ post đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
“Các doanh nghiệp cần mạnh dạng đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất, đặc biệt là công nghệ sản xuất tôm giống sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh cao không sử dụng kháng sinh chỉ chủ yếu sử dụng các men vi sinh”, ông Lương Ngọc Lân đề nghị.
Theo ông Christian Henckes, Giám đốc Chương trình Quản lý Tổng lý tổng hợp vùng ven biển, Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (ICMP-GIZ), hệ sinh thái tại các vùng sản xuất tôm thường rất nhạy cảm, hiệu quả sản xuất có thể rất cao nhưng đi kèm đó là tác động hủy diệt cũng rất lớn.
Những thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn, không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến toàn bộ quá trình sản xuất, như tính bền vững và thân thiện với môi trường…
Ông Christian Henckes cho biết, GIZ làm việc rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển ngành nuôi tôm của Việt Nam thành ngành công nghiệp hiện đại, có hiệu quả sản xuất cao không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả Việt Nam.
Có nhiều cách để ngành tôm Việt Nam tăng trưởng doanh thu một cách bền vững. Trong đó, quan trọng là xác định được những vùng nào thích hợp với các mô hình nuôi nào, như quảng canh kết hợp, tôm – lúa, tôm – rừng, thâm canh năng suất cao…