Cho đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc ăn mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp khi nuốt mật cá đã bị ngộ độc, thậm chí tử vong. Vì thế, mọi người không nên chỉ nghe thông tin rồi mách nhau ăn. Theo một số nghiên cứu, các loại cá túi mật có khả năng gây độc là cá trắm cỏ, đen; cá chép thường; cá mè hoa, hôi; cá trôi Ấn Độ… Đặc biệt, loại cá thuộc họ cá chép (Cypridae) độc tố của nó là một acid mật C27 gây độc cho các cơ quan nội tạng, cơ quan sinh sản và máu. Độc tố này chỉ thấy trong mật, gan, tụy của cá chứ không có trong thịt cá và đặc biệt là chỉ thấy trong mật cá nước ngọt, không có trong cá nước mặn. Tình trạng ngộ độc cũng chỉ xảy ra khi nuốt nhiều túi mật hoặc nuốt một túi mật cá lớn với triệu chứng thường gặp sau khi nuốt mật là rối loạn tiêu hóa. Cụ thể là người bệnh thấy đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy; đi tiểu ít, có khi vô liệu. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị phù não, phù phổi cấp, viêm tế bào gan cấp, chậm nhịp tim, bị co giật toàn thân. Nếu nuốt phải một lượng mật cá từ 15-30ml, khoảng 77% bệnh nhân đi tiểu ra máu và 62% bệnh nhân bị vàng da.
Khi có dấu hiệu ngộ độc, cần loại trừ càng sớm càng tốt chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh bằng cách gây nôn rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để rửa dạ dày, uống than hoạt tính…