Tại cuộc họp giao ban về công tác quản lý vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm chiều 20/11, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, 50 mẫu rau ăn sống (xà lách, rau diếp, rau húng và rau mùi) được kiểm nghiệm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều đáp ứng quy định an toàn các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng.
Trong đó, 21 mẫu (chiếm 42%) không phát hiện thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 29 mẫu phát hiện lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng ở mức an toàn; 20 mẫu phát hiện có kim loại nặng nhưng thấp hơn mức giới hạn tối đa.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, qua đánh giá phân loại, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đáng chú ý nhất đối với sản phẩm rau tươi là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; trong đó nhóm rau ăn lá (rau muống, rau cải các loại, rau ngót…) có nguy cơ nhiễm cao nhất, tiếp đến là đậu đỗ và cuối cùng nhóm rau ăn quả như bầu, bí, susu, mướp đắng… là các sản phẩm ít có mẫu phát hiện thấy dư lượng vượt mức tối đa cho phép.
Nhận định chung cho thấy, các tỉnh phía Bắc có nguy cơ gây mất an toàn cao hơn phía Nam.
Cục bảo vệ thực vật đang tiếp tục tổng kết để làm cơ sở định hướng trong thời gian tới, sẽ đưa ra danh mục các loại rau, quả có nguy cơ cao để cảnh báo, và giới thiệu một số loại nguy cơ ít cho người tiêu dùng.
Đối với mực khô các loại tại các chợ bán buôn, bán lẻ, cơ sở chế biến sản phẩm mực khô tiêu thụ nội địa, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản đã tiến hành phân tích 54 mẫu đều không phát hiện nhiễm vi sinh vật gây bệnh Salmonella.
Đánh giá về một năm thực hiện Thông tư 13 về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thực vật nhập khẩu, kết quả cho thấy tỷ lệ vi phạm, có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức tối đa cho phép là rất thấp (chiếm 0,8%).
Chỉ đạo tại cuộc giao ban, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong tháng cuối năm.
Cục bảo vệ thực vật tập trung vào quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để có hình thức xử lý thích đáng các cơ sở vi phạm. Tiếp tục mở rộng thêm quy mô kiểm soát các sản phẩm liên quan hàng ngày, với nhiều mẫu khác nhau để có thông tin chính thống khẳng định rau xanh an toàn để người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Đối với công tác kiểm soát hàng hóa nông sản nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu cũng cần siết chặt hơn về các quy định; kiên quyết không nhập hàng đối với các quốc gia chưa được công nhận được phép xuất khẩu vào Việt Nam. Hiện mới có 11 quốc gia được công nhận chính thức và hai quốc gia được công nhận tạm thời.
Ngoài ra, các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa sau khi nhập khẩu và trong quá trình lưu thông./.