Môi trường lao động và điều kiện lao động của ngành nuôi trồng thủy sản là lao động thủ công nặng nhọc, độc hại, làm việc ngoài trời, mùa hè nhiệt độ cao, mùa đông nhiệt độ thấp, thường xuyên tiếp xúc, ngâm mình trong môi trường nước (ngọt, mặn, lợ); tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như: Vôi, Chlorine, Formol, Saponine, BKC, Vikon, Iodine... và các loại khí độc hại như: H2S, NH3, CH4... đó là các tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Người lao động trong môi trường nuôi trồng thủy sản thường mắc một số bệnh phổ biến chiếm một tỷ lệ khá cao theo thứ tự là các bệnh về da, bệnh phụ khoa, bệnh xương khớp, bệnh viêm phổi, bệnh tim mạch...
Một số công đoạn trong nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động
Giai đoạn cải tạo ao hồ: Trước khi ương nuôi thủy sản phải cải tạo ao hồ, nạo vét bùn đáy ao, diệt tạp, diệt các vật chủ trung gian, diệt mầm bệnh. Hiện nay, việc nạo vét ao hồ đa số sử dụng cơ giới nên tác động của môi trường do mùn bã hữu cơ tích tụ, khí độc... ít ảnh hưởng đến người lao động hơn so với trước đây. Tuy nhiên, việc bón vôi, rải hóa chất diệt tạp, diệt mầm bệnh người lao động phải làm trực tiếp nên cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động. Trong mùn bã hữu cơ có nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh, có các khí độc như: H2S, NH3, CH4... khi người lao động hít phải có thể gây tác hại đến hệ hô hấp, mắt. Ngoài ra các loại hóa chất như: Vôi, chất diệt tạp, diệt mầm bệnh... đều gây ảnh hưởng không tốt đến người lao động. Dưới đáy ao hồ thường có những vật cứng, nhọn, sắc do một số người vô ý ném xuống dễ gây thương tích cho người lao động.
Giai đoạn cho đẻ và ương giống: Trước khi cho đẻ, người lao động phải chuẩn bị bể đẻ (đối với tôm, cá biển, nhuyển thể… ) hoặc chuẩn bị ao để nuôi vỗ và chọn cá bố mẹ cho đẻ (đối với cá nước ngọt). Trong giai đoạn này, người lao động phải thường xuyên lội nước để kiểm tra, phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại dùng để khử trùng như: Vôi, Chlorine, Formol...
Trong quá trình ương giống, người lao động phải chuẩn bị ao ương, vì vậy người lao động phải tiếp xúc với các chất độc hại như quá trình cải tạo ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra trong giai đoạn thu hoạch giống cũng như thu nuôi thương phẩm, người lao động phải làm việc ngoài trời, lội nước, thả lưới, kéo lưới, thường xuyên ngâm mình trong nước bẩn, nước ô nhiểm… nên có nguy cơ lớn mắc các bệnh phụ khoa, viêm da, nấm da, mẩn ngứa, dị ứng.
Giai đoạn nuôi thương phẩm và thu hoạch: Giai đoạn này các loài thủy sản đã phát triển đầy đủ, cơ thể cứng cáp và chúng tăng trọng hàng ngày tùy thuộc vào chất lượng và số lượng thức ăn mà con người cung cấp. Giai đoạn này, người lao động cũng không tác động nhiều vào môi trường của các loài thủy sản nuôi, ngoài việc cho ăn và kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng, nên nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp giai đoạn này không cao. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của quá trình nuôi thương phẩm tác động đến người lao động còn tùy thuộc vào hình thức nuôi. Trường hợp nuôi quảng canh hoặc quảng canh cải tiến thì quá trình chăm sóc đến các đối tượng nuôi không thường xuyên hơn, nên ảnh hưởng của môi trường đến người lao động ít hơn. Trường hợp nuôi thâm canh hoặc siêu thâm canh thì người lao động phải thường xuyên tác động vào môi trường nuôi như: Cho ăn ngày từ 03 - 04 lần, thay nước định kỳ, trộn kháng sinh, thuốc bổ vào thức ăn, thức đêm chạy sục khí, lặn đáy kiểm tra… Trương hợp này, người nuôi có thể mắc các bệnh như ở trường hợp ương dưỡng giống.
Một số giải pháp
- Đa số người lao động nuôi trồng thủy sản đều ít hiểu biết về an toàn lao động, về các yếu tố độc hại trong môi trường lao động của mình, nên việc trang bị kiến thức qua các lớp tập huấn cho người lao động để dự phòng tác hại nghề nghiệp là điều cần thiết.
- Cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tham gia nuôi trồng thủy sản để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
- Các tổ chức, các đơn vị hoặc hộ cá thể tham gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cần phải trang bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng, số lượng, chủng loại các trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân.
- Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động và các chế độ chính sách có liên quan tại các đơn vị, tổ chức có tham gia nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
- Các tổ chức Công đoàn cần tiến hành các thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận người tham gia lao động nuôi trồng thủy sản mắc một số bệnh như bệnh về da, xương khớp… được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.