Theo IUCN (2020), quần thể cá Leo tự nhiên được liệt kê vào nhóm “sắp nguy cấp” với xu hướng giảm nhanh về số cá thể trong quần thể. Việc thực hiện thành công mô hình nuôi cá Leo thương phẩm trong ao đất đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình, nhất là đối với những địa phương có tiềm năng, góp phần duy trì nguồn lợi cá Leo.
Trong thực tế, người nuôi cá thường cho ăn dựa trên quan sát tình hình cá sử dụng thức ăn. Tuy nhiên, rất khó để xác định thời điểm mà cá đã no và cá đã ăn quá mức nhu cầu. Dạ dày và ruột của cá có thể vượt quá khả năng do cho ăn quá nhiều, dẫn đến giảm khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Mặt khác, tần suất cho ăn không hợp lý dẫn đến tăng trưởng kém và tỷ lệ chết cao, đặc biệt là ở các hệ thống nuôi thâm canh. Khi tần suất cho ăn không phù hợp có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn, tăng tỉ lệ cá bị đói, gây hấn trong các loài và gia tăng ăn thịt đồng loại. Ngoài ra, trong ương nuôi khi cho ăn không hợp lý dẫn đến cá nuôi bị stress và sức khỏe kém. Ngược lại, tần suất cho ăn hợp lý không chỉ mang lại lợi ích cho cá mà còn đem lại lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản.
Nhóm nghiên cứu trường Đại Học Nông Lâm Huế đã thực hiện nghiên cứu nhằm xác định ảnh hưởng của mật độ và tần suất cho ăn đến sinh trưởng và tỉ lệ sống cá Leo Wallago attu giai đoạn ương giống. Thí nghiệm được tiến hành với 5 mức mật độ (1, 2, 4, 8 và 16 con/L) và các tần suất cho ăn (1, 2, 3, 4 và 5 lần/ngày).
Kết quả nghiên cứu cho thấy mật độ ương và tần suất cho ăn đã ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của cá thí nghiệm. Tỉ lệ sống của cá giảm ở mật độ ương nuôi cao. Tỉ lệ ăn thịt đồng loại giảm ở các nghiệm thức mật độ nuôi thấp. Tần suất cho cá ăn có tương quan thuận với tỉ lệ sống, tỉ lệ sống của cá tăng trên 50% khi tăng số lần cho ăn lên 3 – 5 ngày/lần. Tỉ lệ ăn thịt đồng loại của cá có mối tương quan nghịch với tần suất cho ăn.
Nồng độ cortisol trong máu cá được xem như chỉ thị đối với mức độ stress của cá. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng nồng độ cortisol của cá Leo ở mật độ nuôi cao và tần suất cho ăn 1 và 2 lần/ngày cao hơn so với những nghiệm thức còn lại. Do vậy, mức độ stress của cá Leo có thể được xem như một trong những yếu tố chính dẫn đến hiện tượng ăn thịt lẫn nhau và làm giảm tỉ lệ sống đối với loài cá này ở giai đoạn giống.
Tóm lại, mật độ ương cá Leo phù hợp là 2 con/L ở giai đoạn cá bột lên cá hương. Tần suất cho cá Leo ăn 3 - 4 lần/ngày là phù hợp và cho kết quả sinh trưởng và tỉ lệ sống tốt nhất.
Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để đưa ra mật độ nuôi cũng như tần suất cho cá ăn hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả ương nuôi cá Leo đồng thời đảm bảo tính phúc lợi đối với động vật thủy sản.