Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng độ cứng của viên thức ăn ép đùn có mối tương quan nghịch với lượng thức ăn ăn vào và tăng trưởng của cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar). Ngoài ra, thức ăn viên phân hủy chậm trong nước làm giảm tốc độ hoạt động của dạ dày và lượng thức ăn mà cá hồi Đại Tây Dương tiêu thụ. Hơn nữa, thức ăn viên có độ bền trong nước thấp gây ra hiện tượng tách dầu và tích tụ dầu trong dạ dày của cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss).
Khi nâng cao tính chất vật lý của thức ăn, khả năng sử dụng tinh bột cũng tăng lên. Tinh bột trong thức ăn cho cá hồi chủ yếu được sử dụng để tạo khả năng kết dính. Các loài cá thuộc họ cá hồi có khả năng tiêu hóa tinh bột hạn chế và ít năng lượng chuyển hóa hơn so với các nguồn từ lipid.
Vì những hạn chế này, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã giảm hàm lượng tinh bột xuống mức tối thiểu mà không ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn. Việc bổ sung tối thiểu lượng tinh bột (trung bình 11%) trong khẩu phần ăn cho các loài cá ăn thịt là cần thiết để tối ưu hóa việc sử dụng protein và lipid nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích (1) thử nghiệm phương pháp sản xuất thức ăn cho cá hồi bằng cách thay đổi, điều chỉnh hàm lượng tinh bột, nhiệt độ khi sấy, bổ sung độ ẩm cho máy ép đùn và (2) đánh giá, thảo luận về các tính chất vật lý quan trọng của thức ăn viên có ảnh hưởng như thế nào đến cá hồi Đại Tây Dương.
Hai chế độ ăn thử nghiệm có hàm lượng tinh bột cao (92 g/kg) và thấp (64 g/kg), bổ sung độ ẩm cho máy ép đùn (13,5 và 27 kg/h), mức nhiệt độ khi sấy (38°C và 70°C) đã được xây dựng dựa trên các thông số kỹ thuật dự kiến đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cá hồi Đại Tây Dương.
Sau khi vận chuyển 720 con cá hồi Đại Tây Dương (810-856g) từ một trang trại ở Na Uy, cá được thích nghi ở điều kiện phòng thí nghiệm trong 4 tuần và bị bỏ đói 2 ngày sau đó. Cá được đếm, cân và phân theo nhóm vào 24 bể thí nghiệm (30 con cá/bể) và cho ăn bằng máy tự động hai lần một ngày theo hai chế độ ăn nêu trên trong thời gian 6,5 tuần (47 ngày). Thức ăn thừa được thu thập, sấy khô và cân để ghi lại lượng thức ăn tiêu thụ thực tế và điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày. Căn cứ vào lượng thức ăn cho ăn và thức ăn thừa thu được, lượng thức ăn mỗi ngày được điều chỉnh để dư thừa khoảng 10% nhằm đáp ứng nhu cầu thèm ăn của cá.
Hàm lượng tinh bột và tính chất vật lí của thức ăn có ảnh hưởng nhất định đến cá hồi.
Sự thay đổi hàm lượng tinh bột, độ ẩm của máy ép đùn kết hợp với nhiệt độ khi sấy có tác động đáng kể đến chất lượng viên thức ăn. Trong đó, nhiệt độ khi sấy có ảnh hưởng nổi bật nhất. Thức ăn khi sấy ở 38°C có độ cứng và bền hơn so với sấy khô thông thường (70°C) do tốc độ làm khô ở bề mặt viên thức ăn quá nhanh sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ protein ở cá hồi.
Ngoài ra, việc bổ sung độ ẩm phù hợp cũng góp phần đáng kể để duy trì mức nhiệt độ trong suốt quá trình ép đùn ở khoảng 133-146°C. Vì khi nhiệt độ trong quá trình ép đùn quá cao (trên 150°C) có thể làm suy giảm cấu trúc cơ bản của protein và hình thành các liên kết cộng hóa trị có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng tiêu hóa các axit amin như arginine, cysteine, lysine, serine và threonine. Điều này ngụ ý rằng việc ép đùn không làm tổn hại đến giá trị dinh dưỡng của thức ăn miễn là nhiệt độ không vượt quá 150°C. Bên cạnh đó, hàm lượng tinh bột cao (92 g/kg) cũng khiến cá hồi gặp khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn viên.
Nhìn chung, nghiên cứu này chứng minh rằng tác động từ tính chất vật lý của thức ăn viên đến năng suất, tăng trưởng ở cá hồi nên được chú trọng hơn nữa. Khả năng tiêu hóa cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng, giảm thiểu thất thoát và chất thải ra môi trường.
Trong tương lai, nghiên cứu nên tập trung vào việc phát triển một phương pháp tiêu chuẩn hóa và phù hợp để đo lường tỷ lệ hydrat hóa và dự đoán sự phân hủy thức ăn viên trong dạ dày cá.