Ông Giàu cho biết, khi xuất ngũ trở về địa phương, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau từ Phó chủ tịch UBND xã rồi đến trưởng Công an xã Tân Hội. Đến 1987, sức khỏe yếu do những trận bơm cày đạn xới trong chiến tranh để lại cho ông nhiều vết thương, có nơi vỏ đạn vẫn vĩnh viễn nằm lại trong thân thể. Ông xin nghỉ công tác, trở về nhà chăm lo phát triển kinh tế trên mảnh đất khô cằn của gia đình.
Trước sự khó khăn của cuộc sống lúc bấy giờ, nhớ ngay lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông tiến hành đào ao thả cá. Thời gian đầu, ông tập trung nuôi cá điêu hồng, cá tra, cá trê...nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập bấp bênh do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Nhiều tháng liền ao bị bỏ hoang.
Lúc này, thấy nhiều địa phương khác phát triển mô hình nuôi cá cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu giá trị kinh tế, kĩ thuật nuôi trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Với số vốn ít ỏi của gia đình, ông quyết định đầu tư vào nuôi cá cảnh và tìm mua cá giống tận TP.Hồ Chí Minh về gầy đàn.
Ông Giàu bộc bạch, việc nuôi cá cảnh lúc đầu liên tục bị thất thu do chưa có kinh nghiệm. Năm thì cá sinh sản không đều. Năm thì thời tiết khô hạn, nắng nóng, cá chết trắng ao...Không nản chí trước những lần thất bại ấy! Ông bà vận động nhau, có thất bại mới có kinh nghiệm. Cũng từ đó, kinh nghiệm ngày càng nhiều, việc nuôi cá cảnh dần dần đi vào ổn định và bắt đầu có lãi cao.
Sau hơn 10 năm tích lũy vốn, kinh nghiệm, diện tích mặt ao nuôi cá cảnh của gia đình cũng mở rộng theo. Lúc đầu chỉ gần 2.000 mét vuông. Đến nay, gia đình ông đã có đến hàng chục ao nuôi với diện tích hơn 10.000 mét vuông, nuôi đủ các giống cá cảnh như: cá chép Nhật, cá chép Nam Dương... thương lái đến tận nhà để mua, với giá dao động từ 150.000 đến 190.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ của cá. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh.
Ông Giàu cũng cho biết thêm, nuôi và ươm cá cảnh không quá khó, chủ yếu cần sự siêng năng, đầu ra ổn định, ít xảy ra dịch bệnh trên cá. Thông thường mỗi tháng cho cá giống sinh sản một đến hai lần để bán cá con, tỷ lệ cá con sống rất cao. Trước đây, ông thường lấy cá từ nơi khác về làm giống, nhưng vài năm trở lại đây ông tự tuyển chọn những con cá đẹp nhất để làm cá giống cho vừa ý.
Ngoài việc nuôi cá cảnh, ông còn tiến hành bán thêm tạp hóa, phân bón, đồ nhựa với mong muốn mang lại thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện để các con ăn học thành tài. Hàng năm sau khi trừ các chi phí, việc ươm cá cảnh và bán phân bón mang lại cho ông nguồn thu trên 200 triệu đồng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.
Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, thương binh Lê Văn Giàu còn hăng hái tham gia công tác xã hội, đóng góp vật chất và tinh thần cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương… Mặt khác, ông còn động viên, giúp đỡ các thành viên trong Hội Cựu chiến binh xã về kinh nghiệm nuôi cá cảnh, cách thức để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cần cù, chịu khó, cùng với phẩm chất của người lính cụ Hồ đã giúp ông Lê Văn Giàu thành công với mô hình nuôi cá cảnh. Thành quả lao động hôm nay đến từ đôi bàn tay vững chắc, một ý chí thép của người thương binh và ý chí ấy vẫn hiên ngang, kiên trung giữa thời bình. Nhiều năm liền, ông được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đáng để nhiều người học hỏi, noi theo.