Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 15 - 17 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp có vị trí 15,5 độ vĩ bắc, 112,5 - 113,5 độ kinh đông, ngay trên khu vực đông nam quần đảo Hoàng Sa. Do ảnh hưởng của hình thế thời tiết này, khu vực giữa Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông, ngư dân cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.
Hiện nay, trên sông Thao, mực nước tại Yên Bái là 28,83 m; sông Hồng, mực nước tại Hà Nội là 5 m. Mực nước hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại là 2,22 m. Dự báo, mực nước hạ lưu sông Hồng và hạ lưu sông Thái Bình biến đổi chậm. Tại miền trung và Tây Nguyên, mực nước sông Mã tại Lý Nhân là 6,19 m; sông Cả tại Nam Ðàn là 2,42 m; sông Ðăkbla tại Kon Tum là 515,88 m, sông La Ngà tại Tà Pao là 118,17 m. Dự báo, mực nước hạ lưu sông Mã tiếp tục lên; các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, khu vực Tây Nguyên và Bình Thuận biến đổi chậm.
Theo Ban Chỉ huy PCLB Cao Bằng, trong các đợt mưa mới đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra sạt lở trên các tuyến QL4a; QL34; tỉnh lộ 207, 208, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 55 nghìn m3, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Do khối lượng đất sạt lở lớn, thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp nên công tác khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn. Sở Giao thông vận tải tỉnh đã huy động nhân lực, máy móc khắc phục và có phương án thông xe trong thời gian sớm nhất.
Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Bình Thuận, từ ngày 23 đến 25-8 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, gây lũ trên sông La Ngà. Mưa, lũ đã gây một số thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Hiện tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ.