Đó là khẳng định của đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua.
Quyết tâm lập lại trật tự trong khai thác thủy sản của ngành chức năng xuất phát từ sự kiện Ủy ban Châu Âu từng rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với nguồn gốc hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Ở tỉnh ta, chưa có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tuy nhiên không vì thế mà lơ là, bởi lâu nay ngư dân có quan niệm “điền tư, ngư chung”. Để giúp các đội tàu khai thác vùng biển Trường Sa, DK1, Phú Quốc có hiệu quả, ngành Thủy sản đã thực hiện Chương trình kỹ sư cùng ngư dân ra khơi hướng dẫn kỹ thuật theo đúng khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu; đồng thời, phối hợp với các Đồn Biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân nắm rõ các ngư trường đang có sự chồng lấn để tránh vi phạm. Ngay trong tháng 6 vừa qua, khi nhận tin báo 14 ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam) đưa tàu cá sang vùng biển Campuchia đánh bắt, Chi cục Thủy sản đã cử 4 kỹ sư ra hiện trường kêu gọi bà con trở về, nên tình hình đã ổn thỏa, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Điểm nhấn nữa của ngành Thủy sản là thực hiện Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, chú trọng làm tốt công tác quản lý hoạt động của tàu cá công suất dưới 20CV. Năm 2013, khi mới thực hiện đề án, Chi cục Thủy sản đã bàn giao toàn bộ hồ sơ tàu đánh cá công suất nhỏ cho cấp huyện quản lý, từng bước hạn chế nghề khai thác ven bờ bằng lưới mắt nhỏ để tránh tình trạng hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Tuy vậy, công tác này thực sự được triển khai quyết liệt trong thời gian gần đây, với những cách làm hay, mô hình sáng tạo. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp kiểm tra, kiểm soát các chủ tàu làm nghề vây rút mùng, qua đó thu hồi 46 giấy phép của các trường hợp vi phạm; đồng thời, đề nghị ngân hàng dừng cho vay vốn đối với chủ phương tiện. Cùng với đó, Chi cục triển khai chương trình vận động ngư dân chuyển đổi từ nghề vây rút mùng mắt nhỏ sang nghề vây rút mùng mắt lớn vươn khơi xa đánh bắt, chọn xã Thanh Hải (Ninh Hải) làm điểm, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Thực hiện chương trình, ngành chức năng phối hợp với các xã ven biển tổ chức nhiều cuộc đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Qua đó, 1.033 lượt ngư dân làm nghề vây rút mùng tham gia các buổi đối thoại đã đồng thuận với chủ trương của tỉnh, cam kết không sử dụng chất nổ khai thác hải sản và chuyển đổi ngành nghề khai thác. Số tàu công suất dưới 20CV đánh bắt ven bờ nhờ đó giảm từ 1.241 chiếc ở thời điểm năm 2013 xuống còn 345 chiếc hiện nay.
Không dừng lại đó, tình trạng tàu giã cào bay hoạt động khai thác hải sản trái phép ở vùng biển Cà Ná (Thuận Nam) gây bức xúc trong dư luận cũng đã được giải quyết rốt ráo. Đồng chí Đặng Văn Tín, cho biết: Tàu cá làm nghề giã cào bay xuất hiện ở vùng biển giáp ranh giữa tỉnh ta và Bình Thuận vài năm gần đây. Vào vụ cá Nam, hoạt động của các tàu giã cào rầm rộ, làm hư hỏng ngư cụ của ngư dân địa phương khai thác ven bờ. Các tàu hành nghề giã cào trang bị máy công suất lớn trên 500 CV, chạy tốc độ nhanh nên trước đây ngành chức năng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức truy đuổi nhưng không bắt được đối tượng. Để ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt của tàu giã cào, Chi cục Thủy sản đã xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý theo hướng giao quyền khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ cho Tổ cộng đồng, ngư dân ở các xã ven biển; đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác hải sản trái phép bằng cách bố trí tàu kiểm ngư túc trực thường xuyên ở các vùng biển giáp ranh để thực hiện nhiệm vụ.