Trước tình hình diện tích tôm nhiễm bệnh chết có chiều hướng gia tăng, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản; phân công cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thủy sản bám sát địa bàn, chỉ đạo sát thực tế, nắm chắc tình hình (tình hình thả giống tôm, diện tích thu hoạch và diện tích nhiễm bệnh).
Đồng thời, hướng dẫn nông dân nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ diện tích đang nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi (hướng dẫn xử lý tôm nuôi bị dịch bệnh, cải tạo ao đầm, bơm bùn đáy ao ra môi trường,...).
Nông dân được khuyến cáo thực hiện theo Quy trình nuôi tôm khai báo (khai báo thả giống, khai báo khi bị thiên tai, dịch bệnh) và tuân thủ các quy định tại Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 04/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh để được xem xét hỗ trợ khi bệnh thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục triển khai cấp mã số cho các cơ sở, vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; tiếp tục thực hiện “Kế hoạch Quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017-2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Tăng cường xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục dịch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Bạc Liêu đang vào vụ nuôi tôm chính vụ, hiện diện tích thả nuôi hơn 100 nghìn ha, trong đó diện tích tôm nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh hơn 7.000 ha. Tuy nhiên, do thời tiết, dịch bệnh đã làm hơn 3.300 ha tôm nuôi thiệt hại, trong số này có đến 2.800 ha tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nhà nông.