Nhiều mô hình siêu thâm canh
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Công ty cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu (tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng nuôi tôm được công ty đầu tư xây dựng hạ tầng đường, điện… hoàn thiện; trong khu nuôi được bao bọc bởi hệ thống nhà kính kiên cố, kiểm soát được môi trường không khí, thời tiết; các thông số môi trường ao nuôi, khâu cho ăn, sức khỏe tôm… được kiểm soát tự động qua hệ thống phần mềm máy tính, khi có biến động thì đưa ra những cảnh báo để kịp thời xử lý.
Cũng nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh, Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh thành công với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2 giai đoạn (áp dụng công nghệ Biofloc: công nghệ điều chỉnh cân bằng tỷ lệ cácbon và nitơ) tại xã Vĩnh Trách, TP Bạc Liêu. Kỹ sư Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh, cho biết mô hình này có thể nuôi 5 - 6 vụ tôm/năm, sản lượng lên đến 150 tấn/ha/năm. Ưu điểm của mô hình là giảm được chi phí, rủi ro, ô nhiễm môi trường; giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, an toàn về dịch bệnh, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm vì không sử dụng kháng sinh và hóa chất. Hiện mô hình nuôi tôm thẻ này đang được nhân rộng. Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh chỉ cần diện tích nhỏ nhưng có thể tạo ra sản lượng tôm lớn, 1ha có thể cho năng suất trên 150 tấn/năm, cao gấp nhiều lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh thông thường (chỉ khoảng 10 tấn/ha/năm). Bộ NN-PTNT đánh giá cao vì mô hình này đã góp phần đưa ngành tôm nước ta bắt kịp với công nghệ nuôi hiện đại trong khu vực.
Ngoài áp dụng công nghệ cao, việc đầu tư phát triển con giống cũng được tỉnh Bạc Liêu khuyến khích đầu tư phát triển. Từ một tỉnh chủ yếu nhập các con giống từ miền Trung, nay Bạc Liêu trở đã thành trung tâm sản xuất tôm giống phục vụ cho cả vùng ĐBSCL. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở sản xuất tôm giống với trên 20 tỷ con/năm.
Liên kết vùng nuôi tôm
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 128.000ha nuôi trồng thủy sản (đứng thứ 2 cả nước), trong đó khoảng 20.000ha tôm thâm canh và bán thâm canh. Toàn tỉnh có 21 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU...
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết thế mạnh của tỉnh là thủy sản, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi tôm, có tiền đề cơ bản về giống, công nghệ nuôi, chế biến… “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bạc Liêu có thể tận dụng lợi thế tài nguyên nước mặn để nuôi trồng thủy sản. Vừa rồi, trong các hội nghị liên kết vùng, nhiều tỉnh vùng bán đảo Cà Mau đã thống nhất chọn con tôm để liên kết. Từ liên kết này, Bạc Liêu có vị trí thuận lợi trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của vùng và cả nước. Chúng tôi xác định để đảm bảo yếu tố Bạc Liêu thành trung tâm của ngành tôm thì cần có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khu này như điểm tựa để chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến nhất về công nghệ giống, thức ăn, xử lý môi trường, công nghiệp chế biến, phụ trợ và hình thành chuỗi phát triển ngành tôm”, ông Lân nhận định.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, Chính phủ đồng ý về chủ trương kiến nghị của tỉnh quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Để cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cùng các sở ngành chức năng đã khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), quy mô dự kiến 200ha. Hiện tỉnh đang thuê đơn vị tư vấn xây dựng đề án, quy hoạch chi tiết gửi Bộ NN-PTNT và các bộ liên quan thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.