Thực tiễn cho thấy, việc cải tạo, xử lý và sử dụng các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Trong nuôi tôm nước lợ việc cải tạo, xử lý ao đầm nuôi tôm, nông dân đã xả thải bùn từ đáy ao ra các kênh nội đồng gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong cải tạo, xử lý nước để nuôi thủy sản, gây tác động xấu đến môi trường làm cạn kiệt nguồn nước ngọt và ô nhiễm nguồn nước ngầm từ việc khoan cây nước để hạ độ mặn ở các đồng tôm khi vào mùa hạn…Để góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về thú y.
Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ sở, dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh có diện tích mặt nước từ 10ha trở lên, dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản quảng canh từ 50ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan chức năng thẩm định. Chỉ được phép triển khai thực hiện các hoạt động nuôi trồng thủy sản khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt.
Đối với các cơ sở, vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng phải đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ - điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Phải có ao chứa (lắng), ao xử lý nước thải, khu chứa nguyên vật liệu, nhà vệ sinh tự hoại… Chất lượng nguồn nước của cơ sở, vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng phải đảm bảo yêu cầu.
Các điều kiện hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao trong nuôi trồng thủy sản, khi sên, vét đất, bùn cải tạo ao phải có khu chứa bùn thải và các chất thải khác phù hợp, đảm bảo chứa đủ lượng bùn thải, chất thải khác của quá trình sên, vét và giữ nước được lắng trong trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; có công cụ sên, vét phù hợp với phương pháp sên, vét.
Đối với hoạt động thả giống, lấy nước và xả nước, hoạt động thả giống phải tuân thủ đúng lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo. Việc lấy nước vào ao nuôi và xả nước thải phải phù hợp với lịch điều tiết nước của khu vực và quy định của pháp luật về xả nước thải. Các chất thải trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Cùng với thực hiện tốt các quy định trên, các ngành và địa phương cũng cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân để chung tay bảo vệ môi trường sản xuất xanh - sạch và hướng đến tăng trưởng xanh.