Quy hoạch và tổ chức lại sản xuất
Quyết định số 1434/QĐ-TTg đề ra mục tiêu tổng quát là: Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành Thủy sản, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế, gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân, góp phần bảo vệ quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Để hoàn thành mục tiêu này, một trong những giải pháp được đặt lên hàng đầu là thực hiện rà soát quy hoạch theo quy định hiện hành phù hợp yêu cầu phát triển ngành và ứng phó với các thách thức như: hạn hán, xâm nhập mặn cực đoan, thảm họa ô nhiễm môi trường biển, đồng bộ từ các quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất. Thực hiện rà soát các dự án đầu tư phát triển thủy sản để đảm bảo không có sự chồng chéo, loại bỏ các dự án hiệu quả đầu tư thấp, không phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cùng với đó là tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, xây dựng mô hình người nuôi, người cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ…
Bạc Liêu với diện tích canh tác thủy sản hơn 131.800ha, nếu thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần quan trọng vào việc khai thác có hiệu quả và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay. Bởi việc nuôi tôm trái với quy hoạch đã và đang thật sự trở thành vấn đề nóng chưa có giải pháp để xử lý hiệu quả (như việc đưa nước mặn vào nuôi tôm ở vùng chuyên lúa tại các xã vùng ngọt, nuôi tôm thẻ chân trắng không theo quy hoạch). Điều đó gây khó cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng và chỉ đạo phát triển sản xuất, nhất là vận hành hệ thống thủy lợi trong các thời điểm vừa phải có nước mặn cho con tôm, nhưng phải đủ ngọt cho cây lúa và gặp nhiều khó khăn khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường dâng cao...
Điều đáng mừng là với giải pháp này, sẽ góp phần quan trọng vào việc giúp Bạc Liêu tranh thủ thêm nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời tạo thêm sức bật mới trong thực hiện mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm công nghiệp của cả nước về việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển nghề khai thác đánh bắt
Cùng với phát triển nuôi trồng chế biến thủy sản, Quyết định số 1434/QĐ-TTg cũng đưa ra giải pháp cho hoạt động khai thác đánh bắt phát triển. Đó là tổ chức lại công tác quản lý tàu cá, quản lý cường lực khai thác, nghề khai thác, mùa vụ khai thác, ngư trường khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi hải sản đối với từng vùng biển. Phân cấp quản lý tàu cá khai thác vùng biển ven bờ cho chính quyền địa phương, nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý sát với thực tế, giảm mạnh cường lực khai thác, bảo đảm duy trì, tái tạo và phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ; Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất tập thể khai thác xa bờ; Tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng vùng biển và từng địa phương, theo hướng chia sẻ lợi ích giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân…
So với các địa phương khác, nghề khai thác đánh bắt thủy sản cũng được xem là thế mạnh về kinh tế biển của tỉnh, với tổng số phương tiện gần 1.150 chiếc, tổng sản lượng khai thác đạt trên 100.000 tấn/năm và góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho gần 7.000 lao động địa phương. Tuy nghề khai thác đánh bắt thủy sản mang lại lợi nhuận cao, nhưng hạ tầng đầu tư cho phát triển nghề này đến nay vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện tỉnh Bạc Liêu chỉ có duy nhất Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) và có khoảng 200 cơ sở phục vụ cho nghề dịch vụ hậu cần như: cơ sở sơ chế thủy sản, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; bán xăng dầu, ngư lưới cụ... Do vậy, việc tổ chức lại sản xuất và tăng cường đầu tư, liên kết sản xuất được coi là giải pháp cần tập trung thực hiện cho phát triển bền vững hiện nay.
Ngoài các giải pháp quan trọng nêu trên, Quyết định số 1434/QĐ-TTg cũng đưa ra nhiều giải pháp khác như: tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ và nghiên cứu các mô hình khai thác kết hợp dịch vụ trên biển liên quan đến đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng tại các cảng cá, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm sau khai thác...