Theo nông dân vùng chuyển đổi tôm - lúa, năm nay mùa mưa đến khá sớm, lượng mưa nhiều nên nước trong vuông nuôi tôm có độ mặn khá thấp so với những năm trước. Nhờ vậy, việc cải tạo đất rất thuận lợi, không tốn nhiều chi phí và công sức. Theo số liệu quan trắc, độ mặn ở những vùng chuyển đổi Bắc Quốc lộ 1A chỉ dao động từ 2 - 3‰, có những nơi chỉ còn 1‰. Độ mặn thấp nên thuận lợi cho nông dân xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2018, huyện Hồng Dân có 23.000ha. Tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, mấy ngày qua nông dân trong huyện đã cải tạo đất để xuống giống. Ông Nguyễn Văn Đức (ấp Cai Giảng, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Gia đình tôi và nhiều bà con trong ấp đã hoàn thành việc gieo mạ. Năm nay, lúa phát triển rất tốt. Do trồng lúa trên vuông nuôi tôm trước đây nên đất có rất nhiều phù sa. Sau khi gieo sạ, cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe”.
Hiện đang vào vụ nên thị trường lúa giống và các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khá hút hàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, giá cả các mặt hàng này đều bình ổn. Riêng về lúa giống, giống lúa Một bụi đỏ, OM 5451, OM 2517… luôn được bà con ưu tiên chọn lựa vì chúng có nhiều thuộc tính phù hợp với vùng đất chuyển đổi và cho năng suất khá cao.
Ở huyện Phước Long, nông dân cũng đã xuống giống hơn 4.500ha lúa trên đất nuôi tôm, tập trung nhiều ở các xã: Phước Long, Vĩnh Phú Tây, thị trấn Phước Long... Các loại giống gieo sạ chủ yếu là Một bụi đỏ, OM 5451, OM 2517... Theo bà con, chi phí sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay không tăng nhiều so với mọi năm. Cụ thể, giá thuê nhân công xới đất dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/công, phí bơm tát nước 100.000 - 150.000 đồng/ha…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, bà con trong vùng chuyển đổi cũng đang gặp khá nhiều khó khăn. Đó là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất không đồng bộ; phần lớn nông dân sử dụng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ trồng lúa trước đây tự đào, xẻ kênh mương nên không đảm bảo yêu cầu cấp, thoát nước; một số diện tích đất canh tác tôm - lúa nhiễm phèn mặn nên rất khó cải tạo trồng lúa.. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng cũng ngày càng diễn biến phức tạp khiến cho năng suất lúa không cao, dẫn đến tình trạng người dân bỏ lúa nuôi tôm, làm phá vỡ quy hoạch vùng luân canh tôm - lúa.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: “Để giúp nông dân có một vụ mùa thành công, Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật để bà con yên tâm sản xuất. Đồng thời khuyến cáo bà con không nên chỉ sản xuất độc canh con tôm hoặc cây lúa, mà cần phải kết hợp luân canh tôm - lúa thì mới mang lại giá trị kinh tế và lợi ích bền vững, lâu dài”.