Vào sáng ngày 17/12, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã phối hợp cùng công ty Tép Bạc và công ty VIBO tổ chức buổi Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ sinh học trong nuôi tôm”, thu hút gần 70 người tham dự từ doanh nghiệp, báo chí, hợp tác xã đến các nông hộ nuôi tôm.
Tiến sĩ Đinh Thế Nhân đang chia sẻ về các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ 4.0
Mục tiêu hội thảo nhằm giúp người nuôi giải đáp được những câu hỏi về chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản là gì, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ sinh học giải quyết được những vấn đề trong thực tế.
Mở đầu buổi hội thảo là báo cáo đề dẫn về tình hình tổng quan, khó khăn thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu cũng như xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp thủy sản của ông Nguyễn Văn Vượng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu. Ông khẳng định công nghệ sinh học, công nghệ số đã từng bước tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng thủy sản và truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường ngoài nước.
Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong nuôi tôm gặp không ít khó khăn do người nuôi còn nhiều hoài nghi về hiệu quả thực tế của việc ứng dụng các máy móc, công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản.
Để giải đáp vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Thế Nhân - Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản trường Đại học Nông Lâm TPHCM - đã giới thiệu các mô hình nuôi công nghệ mới và làm rõ các yếu tố tạo nên sự thành công của mô hình nuôi công nghệ cao ứng dụng công nghệ sinh học hiện nay.
Tiến sĩ Đinh Thế Nhân đang giới thiệu về các mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện nay.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm những nguyên nhân vì sao tôm dễ mắc bệnh, kém hiệu quả và những rủi ro thường gặp trong nuôi tôm siêu thâm canh. Ông cũng gợi ý định hướng xử lý, khắc phục thói quen xấu trong nuôi trồng, tránh gây hoang mang cho người nuôi trong quá trình chuyển giao.
Song đó, để ngành tôm phát triển bền vững, anh Phạm Văn Tốt, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty TNHH VIBO đã có một bài phát biểu về ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp với chuyển đổi số trong nuôi tôm giúp tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành sản xuất nhờ hạn chế sử dụng thuốc, kháng sinh.
Phần trình bày của anh Phạm Văn Tốt gây hứng thú cho các nông hộ tại hội thảo.
Bà con nông dân nhờ đó có thể quản lý được môi trường nước tốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khống chế được dịch bệnh, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây đang là hướng đi của nhiều hộ nuôi tôm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế cho sản phẩm đầu ra.
Tại buổi hội thảo, người nuôi được chứng kiến mô hình nuôi tôm ứng dụng chuyển đổi sổ, tự động hóa hoàn toàn từ khâu đo đạc nước, cho tôm ăn, bật tắt các thiết bị trong ao cho đến quản lý, hạch toán chi phí mỗi vụ nuôi,... vô cùng tiện lợi, hiệu quả, dễ dùng.
Máy đo môi trường tự động giúp giám sát sát sao các chỉ số nước trong ao nuôi.
Anh Trần Duy Phong - CEO Tép Bạc đã dành hơn 8 năm nghiên cứu và sản xuất nền tảng quản lý trại nuôi ứng dụng các công nghệ hàng đầu như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, lưu trữ đám mây,... nhờ đó người nuôi sẽ tiết kiệm được chi phí nhân công, chính xác và hệ thống hóa các số liệu, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc giúp ổn định đầu ra.
Hội thảo tại TTKN Bạc Liêu kết thúc với nhiều hứa hẹn, các chương trình hỗ trợ từ công ty Tép Bạc, công ty VIBO, tạo cơ hội cho người nuôi được tiếp xúc trực tiếp với công nghệ số hiện đại và trải nghiệm hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm. Tăng niềm tin, nhận thức người nuôi, giúp phát triển bền vững ngành tôm, nâng cao giá trị thủy sản Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy các tỉnh thành khác triển khai kịp thời dự án chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.