Doanh nghiệp than khó
Xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm 2016 tăng chủ yếu là do thị trường tiêu thụ tăng mạnh vào dịp tết. Theo dự báo từ tháng 4/2016 trở đi, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, do đó lợi nhuận sẽ giảm và việc làm của người lao động cũng khó ổn định.
Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn làm cho nhiều vùng chuyên cung cấp tôm nguyên liệu của tỉnh Bạc Liêu giảm sản lượng. Cụ thể, có những xã chuyên nuôi tôm ở huyện Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai... bị thiệt hại nặng nề, có nơi diện tích thiệt hại gần 100%. Do thiếu nguồn cung nên giá tôm nguyên liệu tăng hơn 10.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, do chi phí đầu vào tăng cao nên doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh sẽ khó cạnh tranh với những doanh nghiệp xuất khẩu mạnh khác.
Ông T.T.K - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của tỉnh, phân tích: “Thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Giá thu mua tôm nguyên liệu của tỉnh hiện nay cao hơn rất nhiều so với những nước xuất khẩu tôm khác trên thế giới, như: Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador... Chỉ tính riêng việc cạnh tranh giá thu mua, doanh nghiệp Việt Nam đã thua. Thêm vào đó, Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam sẽ chuyển hướng mua hàng từ các nước này vì giá rẻ hơn. Đồng thời thông qua chiêu trò “tạm nhập tái xuất”, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua nguyên liệu từ các nước này về chế biến”.
Cần làm gì?
Sản xuất gặp rủi ro vì dịch bệnh, thiên tai kéo theo nguồn nguyên liệu thủy sản giảm, khan hiếm, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng.
Bạc Liêu được ví là một trong những “mỏ tôm” của cả nước, song, tại sao doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh cứ than thiếu nguồn tôm nguyên liệu? Nguyên nhân đơn giản là doanh nghiệp cứ lạm dụng nguồn nguyên liệu, chủ yếu là xuất khẩu con tôm đông. Hay nói cách khác là xuất khẩu nguyên liệu thô, chứ chưa tập trung sản xuất những mặt hàng cho giá trị gia tăng cao. Điều này tạo nên áp lực cần nguồn nguyên liệu lớn, nhưng giá trị mang lại không cao.
Mặt khác, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu quá lệ thuộc vào con tôm. Trong khi cùng với con tôm, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh khá dồi dào và phong phú. Chỉ tính riêng cá biển cũng có hơn chục loại cho giá trị kinh tế cao, nhưng tại sao các doanh nghiệp của tỉnh phải chở cá đi các tỉnh khác để chế biến xuất khẩu?...
Qua đó cho thấy, nếu phá thế độc canh xuất khẩu con tôm đông và đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp chủ động về nguyên liệu, chủ động cả về thị trường, giá bán, và lao động có việc làm ổn định. Khi giá tôm nguyên liệu giảm, doanh nghiệp sẽ tập trung thu mua chế biến và dự trữ chờ giá. Và khi giá tôm nguyên liệu tăng hay nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm, doanh nghiệp sẽ chuyển sang chế biến mặt hàng cá biển, mực, tôm biển...
Đa dạng hóa sản phẩm và chủ động về sản xuất, thị trường là việc làm cần thiết. Đây là vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh cần quan tâm, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.