Hành trình săn vẹm xanh dưới sông Yên (Quảng Nham) bắt đầu từ 11h-16h hàng ngày. Để hành nghề, những người thợ cần một máy nén khí, cuộn dây dẫn khí cùng một chiếc kính lặn.
Mỗi thuyền lặn vẹm xanh có 2-3 người. Để bắt được loại thủy sản giàu hàm lượng dinh dưỡng này, họ phải ngụp lặn hàng tiếng đồng hồ dưới đáy sông.
Chọn khúc sông sâu, những người thợ lặn bắt đầu chuẩn bị đồ nghề. Người thợ lặn phải mặc áo lặn chuyên dụng để giữ ấm cho cơ thể khi phải ngâm mình nhiều giờ dưới nước.
Ngoài áo lặn, họ phải mang theo một cặp chì bên hông, chì có công dụng tạo độ nặng để cơ thể người thợ chìm được dưới nước.
Cuộn dây dẫn khí dài hàng trăm mét đủ để người thợ “đi săn” dưới đáy sông rộng mà không sợ thiếu khí.
Thợ lặn Phạm Văn Công (30 tuổi) chia sẻ: “Mùa lặn vẹm xanh bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Vẹm thường nằm bám ở các trụ gạch đá, chân cọc dưới đáy sông sâu 6-10 mét. Vẹm xanh có màu sắc nổi bật rất dễ quan sát và đánh bắt”.
“Mỗi thuyền lặn phải cử một người vận hành máy nén khí, người này phải có nhiều kinh nghiệm trong nghề để quan sát mặt nước, bọt khí của thợ lặn bên dưới, dựa vào đó mà điều chỉnh công suất máy nén cho phù hợp. Cũng phải có kinh ngiệm về máy móc để xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn khí thở cho những người đang làm việc dưới lòng sông”. Ông Phạm Văn Hà, người vận hành máy nén khí chia sẻ.
“Giờ giấc đi lặn vẹm xanh của chúng tôi rất linh động. Người thợ lặn phải thạo nghề mới làm được. Làm sớm hay muộn còn phụ thuộc vào thời điểm nước trong hay đục. Nước trong để nhìn được khi vẹm mà khai thác, nước đục thì chúng tôi chịu không làm được”. Thợ lặn Phạm Văn Tuấn nói.
Bình quân mỗi chuyến đi lặn bắt được 100-150 kg vẹm xanh, họ tranh thủ phân loại ngay ở ngoài sông.
“Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá thu mua chỉ khoảng 20.000đ/kg, giảm một nữa so với năm ngoái. Mỗi người thợ lặn kiếm được 200-300.000đ/một chuyến lặn”. Anh Công chia sẻ.
Thành quả vẹm xanh - món quà của biển Hà Tĩnh