Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực, thế mạnh của ngành thủy sản. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm cá tra vẫn bị cạnh tranh, bôi nhọ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, cách ứng phó của Việt Nam chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thay vì tăng cường đảm bảo chất lượng thì chỉ chú trọng cạnh tranh về giá.
Để bảo vệ hình ảnh cá tra, tiếp tục duy trì, thúc đẩy sản xuất trong nước trước bối cảnh hội nhập quốc tế, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT giao Vụ Hợp tác quốc tế, Nafiqad, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các bên có liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp ngoại giao, vận động Hạ viện và Tổng thống Hoa Kỳ thông qua nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn.
Đồng thời, các đơn vị trên cũng phối hợp hướng dẫn 58 nhà máy đang được phép xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ cam kết quản lý tốt chất lượng và an toàn thực phẩm, không còn dư lượng chất cấm trong sản phẩm.
Ông Tám cũng giao Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện, tham mưu Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra trong tháng 7.
Với Nafiqad, nhiệm vụ được giao là hoàn thiện và trình Bộ trưởng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm thủy sản-cá tra phi lê đông lạnh trong tháng 7 để triển khai ngay khi Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Về các giải pháp phát triển cá tra trong lâu dài, ông Tám đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển dòng sản phẩm cá tra chất lượng cao nhằm khôi phục uy tín, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.
Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường nội địa và xuất khẩu, giữ vững các thị trường truyền thống; cần lưu ý phát triển thị trường Trung Quốc chính ngạch, làm việc với các cơ quan quản lý liên quan để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo vệ uy tín của sản phẩm, hạn chế gian lận thương mại…