Trong khi đó, nhiều công ty kinh doanh, buôn bán trái phép kháng sinh, gây nhiều hệ lụy, đặc biệt với ngành thủy sản.
Báo động trộn hóa chất vào cám chăn nuôi
Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa cho biết, qua kiểm tra một số địa phương trọng điểm phía Nam như: TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã phát hiện nhiều vi phạm, nhất là việc trộn các hóa chất công nghiệp vào cám tại công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN), thủy sản.
Qua kiểm tra đột xuất 2 công ty nhập khẩu, bán hóa chất cho các nhà máy TACN; 16 công ty chuyên sản xuất TACN, sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản, lực lượng thanh tra đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng hóa chất công nghiệp.
Loại hóa chất công nghiệp được phát hiện chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, MnSO4, CuSo4. FeSO4, CaCO3…là những chất dùng để sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghiệp giấy. Đáng lưu ý, trong các hóa chất trên còn lẫn nhiều tạp chất nguy hiểm khác. Các hành vi này được nhận định là đang khá phổ biến, nổi cộm, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và gây hoang mang cho xã hội.
Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 12 công ty vi phạm với số tiền 456 triệu đồng; đình chỉ việc bán hóa chất công nghiệp cho các nhà máy TACN của hai công ty nhập khẩu hóa chất, buộc thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm vi phạm có chứa các hóa chất công nghiệp.
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, các loại hóa chất công nghiệp phát hiện thời gian khá phổ biến, được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và bày bán công khai tại các chợ đầu mối hóa chất và từ các công ty nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên, các loại chất công nghiệp trên hoàn toàn không vi phạm, vì được phép lưu hành dùng cho công nghiệp, nhưng khâu sai phạm, là người mua dùng sai mục đích.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, các thùng sản phẩm đều có khuyến cáo chỉ sử dụng trong công nghiệp, không dùng cho sản xuất TACN và thực phẩm, nhưng vì hám lợi, nhiều công ty dùng sai mục đích, trộn vào TACN, thủy sản. Thực tế, trên thị trường, giá 1 kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với loại hóa chất chuyên dụng trong TACN.
Theo các chuyên gia, sử dụng hóa chất công nghiệp vào sản xuất TACN, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm thực vật. Người tiêu dùng ăn vào sẽ gây tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, như gây dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư trong cơ thể tích tụ kim loại nặng vượt mức cho phép.
Ngoài ra, việc dùng các loại hóa chất cũng làm ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu thủy sản. Trong 2015, nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về tồn dư kim loại nặng.
Cục Thú y ở đâu?
Không chỉ hóa chất công nghiệp, vấn đề kháng sinh trong chăn nuôi, và nuôi trồng thủy sản cũng sai phạm tràn lan. Hậu quả thấy rõ là thời gian qua hàng loạt thị trường cảnh báo, thậm chí trả về với những lô hàng tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép.
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, qua thanh tra 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh (chiếm khoảng 70% kháng sinh được nhập) mục đích thương mại và sản xuất thuốc thú y cho thấy, 5 công ty có vi phạm bán sai đối tượng (chủ yếu mục đích thương mại). Khoảng 16% số nguyên liệu kháng sinh do các công ty nhập khẩu bị bán sai đối tượng, sai mục đích. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các công ty thương mại, tỷ lệ vi phạm là 22%.
Thanh tra Bộ đã tiến hành xử lý nghiêm với các công ty nhập khẩu vi phạm, đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với 5 công ty, rút chứng chỉ hành nghề với 2 công ty.
Quá trình truy xuất và xử lý các công ty vi phạm về kháng sinh, Thanh tra Bộ đã thanh tra trực tiếp 30 công ty vi phạm, xử lý 18 công ty, xử phạt vi phạm hành chính 920 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng củng cố hồ sơ, xác lập hành vi vi phạm gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản… ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM chuyển cho các địa phương xử lý.
Qua thanh tra cho thấy, các công ty được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cấp phép kinh doanh nguyên liệu kháng sinh, mua kháng sinh của các công ty nhập khẩu, bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là bán cho người nuôi trồng thủy sản. Hành vi này cũng là đường đi của loại kháng sinh cấm Enrofloxacin trong nuôi trồng thủy sản. Điều này, khiến nhiều ý kiến cho rằng, liệu Cục Thú y cấp phép, rồi “lỏng tay” với hậu kiểm, khiến vấn đề kháng sinh “tung hoành” như thời gian qua?
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay, nhiều công ty chưa đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y, nhưng vẫn mua nguyên liệu kháng sinh về sản xuất trái phép thuốc thú y. Những sản phẩm thuốc thú y trên đương nhiên nằm ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng và thường được tiếp thị xuống các trang trại, dùng không liều lượng, bị lạm dụng nhiều.
Thậm chí, các công ty nhập khẩu kháng sinh dưới dạng TACN và bán cho các nhà máy sản xuất TACN. Sau đó, các nhà máy này, bổ sung kháng sinh vào sản phẩm TACN, nhưng không công bố thành phần, chủng loại kháng sinh. Đây là một yếu tố gây rất nhiều hệ lụy, dẫn tới nhờn kháng sinh.
Qua công tác thanh tra cũng cho thấy, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản mua và sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi, đặc biệt là loại kháng sinh cấm Enrofloxacin. Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mua nguyên liệu kháng sinh vào hòa trong nước, cho vật nuôi uống phòng bệnh. Hành vi sử dụng trực tiếp kháng sinh khá phổ biến trong chăn nuôi thủy sản.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), tỷ lệ lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm trong thủy sản cũng có hiện tượng tăng lên. Năm 2015 là tỷ lệ mẫu vi phạm là 0,89%, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2016 là 1,23%. Tuy nhiên, ông Hào cho rằng: “Tuy mẫu có tăng lên chút ít, nhưng chưa phải là con số bất thường… Việc kiểm soát chất lượng thủy sản sang các thị trường khó tính đang được kiểm soát chặt chẽ”.
Qua thanh tra cho thấy, các công ty được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cấp phép kinh doanh nguyên liệu kháng sinh, mua kháng sinh của các công ty nhập khẩu đã bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là bán cho người nuôi trồng thủy sản. Hành vi này cũng là đường đi của loại kháng sinh cấm Enrofloxacin trong nuôi trồng thủy sản.