Tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 13h ngày 10/10, vị trí tâm bão Nari ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 126,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 590km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13h ngày 11/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 123,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Đến 13h ngày 12/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ sáng sớm ngày 12/10, vùng biển phía Đông biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lũ sông Cửu Long đang xuống chậm, riêng sông Vàm Cỏ Tây đang lên. Mực nước cao nhất ngày 09/10 trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 4,30m (dưới BĐ3: 0,2m), tại Mỹ Thuận: 1,77m (dưới BĐ3: 0,03m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,81m (dưới BĐ3: 0,19m), tại Cần Thơ: 1,85m (dưới BĐ3: 0,05m), tại Long Xuyên: 2,53m (trên BĐ3: 0,03m). Mực nước cao nhất sáng 10/10 trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức 1,72m (dưới BĐ2: 0,08m).
Dự báo trong những ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống chậm và còn ở mức cao, sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục lên. Đến ngày 15/10, mực nước tại Tân Châu xuống mức 4,15 (trên BĐ2: 0,15m), tại Châu Đốc xuống mức 3,7m (trên BĐ2: 0,2m), tại Mộc Hóa lên mức 2,0m (trên BĐ2: 0,2m); mực nước các trạm cuối nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống trong 2 -3 tới, sau lên lại và ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.
Nước ngập sâu trên đường Hòa Bình, đoạn qua cổng khu du lịch Đầm Sen, địa điểm giáp ranh giữa quận 11 và quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Phạm Nguyễn
Sáng ngày hôm qua, 9/10, mưa kết hợp với triều cường làm nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập nặng. Các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 11, quận 12 có nơi nước ngập đến gần yên xe máy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân.
Nguyên nhân gây mưa là do ảnh hưởng của rãnh thấp vắt ngang qua khu vực. Ngày 10/10, khoảng thời gian từ 6h30 đến 8h30 và 19h đến 21h là thời điểm triều cường lên cao nhất trong ngày, dù không có mưa nhưng vẫn sẽ gây ra ngập úng cho khu vực TP. HCM.
Ngoài ra, độ ẩm giảm thấp bao trùm toàn miền Bắc và xuống các tỉnh miền Trung gây nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phương rất cao.
Để giảm thiểu các vụ hỏa hoạn có thể xảy ra, các tỉnh, thành phố ở miền Bắc cần tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cũng như phòng và chống cháy rừng.
Chính quyền các địa phương, nhất là miền núi cần phổ biến, tuyên truyền cho bà con thận trọng khi dùng lửa trong rừng, đề phòng hỏa hoạn. Nhiệt độ ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ ngày hôm nay, 10/10, phổ biến 30 – 33 độ C.