Bão số 4 sẽ đổ bộ đất liền vào rạng sáng 25/7 (Ảnh: NCHMF)
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, cần đặc biệt lưu ý đối với lượng lớn tàu thuyền du lịch và vận tải vì khu vực này tập trung rất nhiều khách du lịch cũng như các hoạt động thương mại trên biển.
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều mai (24/7), mưa lớn sẽ xuất hiện ở các tỉnh Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và khu vực đồng bằng. Lượng mưa dự kiến từ 100-300mm, có nơi 400mm. Do kết hợp với hình thái mưa đang diễn ra (khi bão chưa về), có nơi lượng mưa sẽ lên 500mm.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW, lúc 7h sáng nay (23/7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 24/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 07 giờ ngày 25/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Chủ động cấm biển
Chủ trì buổi họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo ngay trong ngày mai (24/7), ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW cử 2 đoàn đi Quảng Ninh, Hải Phòng để kiểm tra công tác đối phó với bão số 4, trong đó tập trung vào 5 nội dung chính: tình hình tàu thuyền trên biển, các khu vực neo đậu, chằng chống nhà cửa, tình hình tàu thuyền du lịch và vận tải, sơ tán dân (nếu cần thiết).
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo toàn bộ các địa phương từ Quảng Ninh tới Phú Yên, đặc biệt là các tỉnh có tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực vịnh Bắc Bộ cần theo dõi sát sao và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài ra, xác định khu vực vịnh Bắc Bộ là địa điểm nuôi thủy sản nhiều, hoạt động du lịch và thương mại tấp nập nên ông Cao Đức Phát cho biết sẽ yêu cầu các địa phương kêu gọi người dân vào bờ tránh bão, đồng thời đề nghị các địa phương xem xét chủ động cấm biển để tránh thiệt hại về người và tài sản.
Ông Phát đặc biệt lưu ý những điểm có thể gây tai nạn trong bão lũ như cần cẩu ở các cảng, bãi thải than (trong mưa lớn có thể sạt lở gây chết người), vùng có triều cường dâng cao (để sơ tán dân kịp thời).
Ngoài ra, trong cơn bão này và hoàn lưu sau bão, khu vực miền núi có diễn biến phức tạp hơn khi mưa chủ yếu tập trung ở vùng núi đất, dễ gây lũ quét, sạt lở. Do đó, các địa phương miền núi cần chủ động lên phương án sơ tán dân, chằng chống nhà cửa để giảm thiệt hại.