Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, tổng lượng mưa đo được trong cơn mưa sáng qua phổ biến từ 40-70 mm. Các tuyến phố “cứ mưa là ngập”, như: Nguyễn Xiển, Thái Hà, Vũ Trọng Phụng, Phạm Hùng, Giải Phóng, Trương Định... ngập trong nước từ 0,2 - 0,3 m. Không chỉ ngập đường, nước còn ùa cả vào nhà dân, làm đảo lộn sinh hoạt của các gia đình. Trên đường các phố xung quanh tòa nhà Keangnam, trong các ngõ ngách ở khu vực cầu Bươu (H.Thanh Trì), thậm chí trên sông Tô Lịch, con sông ô nhiễm nặng nề, từ trước đến giờ có rất ít loại cá có thể sống nổi, người dân đã bắt được nhiều cá rô phi, cá chép...
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, tại Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ thời tiết đang tốt dần lên, mưa vừa và mưa to trên diện rộng đã dứt, chỉ còn mưa rào xuất hiện rải rác vào sáng sớm, trưa chiều trời hửng nắng. Như vậy, nguy cơ tiếp tục bị ngập úng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ông Hải lưu ý, hiện ngoài khơi Philippines lại xuất hiện một cơn bão mới, cơn bão Tembin (bão số 14) hoạt động trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Chiều qua cơn bão này mạnh cấp 10, đang di chuyển lên phía bắc, hướng về phía đông của Đài Loan. “Lúc mới hình thành, bão số 5 cũng có diễn biến gần như tương tự với cơn bão mới này. Vì thế, chúng ta cần theo dõi sát sao hướng di chuyển của nó để chủ động phòng tránh”, ông Hải nói.
Theo tổng hợp chưa đầy đủ của Thanh Niên từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các địa phương, con số thương vong do bão số 5 gây ra tiếp tục tăng lên. Tại Phú Thọ, 2 vụ sạt lở đất ở H.Hạ Hòa đã cướp đi sinh mạng của 2 cụ bà trên 80 tuổi. Tại Yên Bái có thêm 1 người chết vì sạt lở đất. Nước lũ cuốn trôi 1 người dân ở Thái Nguyên, hiện đã tìm thấy xác. Trong khi đó, tại Bắc Giang, người dân phát hiện 3 xác chết trên cánh đồng của thôn Phấu Sơn (xã Đồng Sơn, TP.Bắc Giang), hiện cơ quan chức năng vẫn đang điều tra làm rõ. Như vậy, nếu tính cả 3 người chết trên cánh đồng Phấu Sơn nêu trên, đến chiều qua, bão số 5 đã làm 27 người chết (Yên Bái 5 người; Sơn La 2 người; Bắc Giang 5 người; Vĩnh Phúc 4 người; Phú Thọ 3 người; Hà Nội 2 người; Lạng Sơn 2 người; Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Lào Cai mỗi tỉnh có 1 người chết). Ngoài ra, còn 2 người mất tích (Yên Bái và Vĩnh Phúc) và 13 người bị thương.
Tại các tỉnh Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Giang và Bắc Giang mưa lũ đã làm tổng cộng trên 11.700 ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái và hư hại. Mưa bão cũng đã nhấn chìm gần 23.000 ha lúa và hoa màu của nông dân các tỉnh, thành Hà Nội, Điện Biên, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Tuyên Quang trong biển nước.
Trong khi đó, đê tả Thương (Bắc Giang), mái thượng lưu đê tả sông Rạng (Hải Dương), kè Quy Phú đê hữu Hồng (Nam Định) và mái thượng lưu đê tả Cà Lồ (Hà Nội) bị sạt lở nghiêm trọng.
Hiện chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định đời sống người dân. Các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có mặt tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ nắm tình hình và hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả.