Đối với vùng nuôi nước lợ, người dân cần kiểm tra, gia cố lại bờ ao, có biện pháp bảo vệ tránh hiện tượng sạt, lở bờ ao gây thất thoát đối tượng nuôi làm thiệt hại kinh tế, rắc vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống ao làm biến động độ pH trong ao nuôi. Với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, trong thời gian mưa lớn cần duy trì việc xả tràn nước ngọt trên tầng mặt. Sau mưa bão kiểm tra lại yếu tố môi trường ao nuôi và kịp thời bổ sung các khoáng chất để ổn định lại môi trường, tránh hiện tượng tôm mềm vỏ, đồng thời bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn tăng sức đề kháng cho tôm.
Đối với các vùng nuôi nước ngọt tập trung cần kiểm tra, tu bổ lại bờ ao chắc chắn, phát quang cành, cây xung quanh bờ để tránh lá rơi xuống ao gây ô nhiễm ao nuôi; tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có mưa lớn xảy ra; tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre gia cố, sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng nước tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn; rải vôi xung quanh bờ ao nuôi.
Đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông cần thường xuyên kiểm tra lồng bè, gia cố lại lưới lồng, hệ thống dây neo, phao lồng, gia cố tấm chắn phía đầu lồng nuôi để hạn chế tốc độ dòng chảy. Đối với người nuôi trồng thủy sản tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi mưa, bão lớn đổ vào nhằm bảo đảm an toàn tính mạng; sơ tán các dụng cụ, thiết bị, vật tư, thức ăn của các đối tượng thủy sản.
Tính đến hết tháng 6/2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Thái Bình đã đạt 15.020ha; trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước mặn là 3.100ha, nước lợ 3.374ha, nước ngọt 8.546ha. Bên cạnh đó, người dân các huyện, thành phố còn nuôi 576 lồng cá trên sông với tổng thể tích 63.183 mét khối.