Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trình bày trong báo cáo gửi Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chỉnh phủ những bất cập trong xuất khẩu thủy sản như:
- Nhiều lô nguyên liệu không đủ điều kiện để cấp các giấy tờ cần thiết phục vụ xuất khẩu
- Số lượng cảng cá đủ “chuẩn” còn hạn chế, không đủ so với nhu cầu.
- Nhiều tàu cá không thể cập về cảng chỉ định.
- Số lượng lớn hải sản khai thác không đủ điều kiện được làm các giấy tờ cần thiết phục vụ xuất khẩu.
Khắc phục “thẻ vàng” kéo theo nhiều bất cập
Trong thực thi chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), xác nhận S/C (xác nhận nguyên liệu), chứng nhận C/C (chứng nhận hải sản khai thác) để xuất khẩu sang EU, khảo sát của VASEP và tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp hội viên trong tháng 4-5/2021 cho thấy, việc thực hiện nghiêm quy định của Luật Thủy sản mới bao gồm cả công tác khắc phục “thẻ vàng” IUU của EU, khiến nguồn nguyên liệu khai thác bị ảnh hưởng “co hẹp” nhiều hơn.
Do các bất cập của thực tiễn, thực thi nên nhiều lô nguyên liệu không đủ điều kiện để cấp các giấy tờ cần thiết phục vụ xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu, thêm khó khăn cho cả doanh nghệp và người dân.
Cụ thể như, số lượng cảng cá đủ "chuẩn" để được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố hiện nay còn hạn chế (49/83 cảng trên toàn quốc) và không đủ so với nhu cầu của thực tế. Mỗi tỉnh ven biển (có chiều dài bờ biển từ một đến vài trăm km) cũng chỉ có được 1-3 cảng chỉ định (đa số 1-2 cảng/tỉnh).
Số lượng cảng cá đủ "chuẩn" để được Bộ NN&PTNT công bố hiện nay còn hạn chế gây khó cho tàu cá. Ảnh: Patrick Fransoo.
Như vậy, thực tế là nhiều tàu cá muốn về cập cảng chỉ định phải đi thêm cả hàng trăm km (phát sinh xăng dầu, thời gian), nên có thực trạng là nhiều tàu sẽ về các cảng khác hoặc tại bến của gia đình/đại lý nậu vựa. Điều này dẫn đến nhiều tàu cá không cập về cảng chỉ định, số lượng lớn hải sản khai thác không đủ điều kiện được làm các giấy tờ cần thiết (biên bản bốc dỡ, S/C...) phục vụ xuất khẩu vào thị trường yêu cầu.
Hay tình trạng tàu cá thiếu giấy tờ hoặc chậm giấy tờ như đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác vẫn còn không ít và trở thành tàu không đủ điều kiện theo quy định pháp luật để cấp giấy cho các sản phẩm hải sản cần hồ sơ, gây nên nhiều khó khăn cho việc có được nguồn nguyên liệu hợp pháp cho thu mua - chế biến - xuất khẩu.
Vẫn còn không ít tình trạng tàu cá, ngư dân chưa thực hiện tốt và đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình ra khơi - ghi chép - bật máy - cập bến cũng khiến nguồn nguyên liệu khai thác được đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường yêu cầu cũng bị co hẹp lại khi không đáp ứng để làm các giấy tờ cần thiết.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chưa công nhận kết quả xử lý của nhau (giấy S/C, C/C) giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ trong hệ thống (giữa các chi cục thủy sản các tỉnh, giữa chi cục thủy sản với ban quản lý cảng cá) cũng gây nên các bất cập về TTHC cho DN, nhiều trường hợp có thể rủi ro cho lịch tàu biển hoặc tiến độ xuất hàng của DN…
Chỉ đạo khắc phục trước mắt
Sau khi khảo sát và họp, tổng hợp ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp thành viên, VASEP đã có các văn bản cũng như có các cuộc họp để trao đổi các bất cập, đề xuất với Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT).
VASEP đề nghị Hội đồng Tư vấn CCTTHC có ý kiến để Chính phủ, Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường chỉ đạo và tăng nguồn lực để tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” IUU sớm nhất có thể.
Bộ NN&PTNT và các địa phương quan tâm thúc đẩy việc đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng cảng cá để nâng cấp và tăng số lượng cảng cá được chỉ định xác nhận hải sản sản khai thác.
Về trước mắt, các đơn vị của Bộ NN&PTNT có các chỉ đạo và hướng dẫn trong tháng 7-8/2021 để giải quyết các bất cập và vướng mắc đang diễn ra trong những tháng đầu năm 2021 để hỗ trợ khơi thông xuất khẩu hải sản đi các thị trường khác nhau…
Bộ NN&PTNT có các chỉ đạo và hướng dẫn trong tháng 7-8/2021 khơi thông xuất khẩu. Ảnh: Quangpraha.
Theo VASEP, dự báo tới năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 12 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2020-2025. Khối lượng xuất khẩu tới năm 2025 khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, 4,7-4,8 triệu tấn sản xuất trong nước; nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước để sản xuất và gia công xuất khẩu dự kiến khoảng 1,2-1,3 triệu tấn (khoảng 2,4-2,6 tỷ USD).
Các FTA song phương và đa phương cùng với hoạt động xúc tiến thương mại sẽ là những yếu tố tích cực tác động xu hướng phát triển của thủy sản Việt Nam. Định hướng phát triển, chính sách thúc đẩy của Chính phủ và công cuộc CCHC của các bộ ngành sẽ có các kết quả khả quan, thúc đẩy và tạo dư địa phát triển cho ngành hàng…
Tuy nhiên, giá thành sản xuất cao, các biến động thị trường (nhu cầu, quy định, chính sách thuế, rào cản) và xu thế đòi hỏi chứng nhận bền vững cũng nhiều lên, sẽ là những thách thức tiếp tục mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản sẽ phải đương đầu để vượt qua với nhiều chi phí hơn và khó khăn hơn.
Theo: Giang Lam (2021). Một lượng lớn thủy sản không đủ điều kiện xuất khẩu do đâu?, Kinh tế và đô thị, Kinh tế, 23/7/2021.