Tôm bố mẹ ngày càng khan hiếm và bị ép đẻ nhiều lần khiến chất lượng giống ngày càng giảm
Trại SX nhiều, năng lực yếu
Trước đây, SX tôm giống chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền Trung như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… (chiếm hơn 50% sản lượng tôm giống cả nước). Gần đây một số tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang ngày càng xuất hiện nhiều trại SX tôm giống.
Tuy nhiên, phần lớn các trại đều có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, SX không đảm bảo vệ sinh môi trường đã gây ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp tôm sú bố mẹ ngày càng khan hiếm, phần lớn được khai thác từ vùng nước gần bờ nên hệ số thành thục không cao. Phương pháp khai thác chủ yếu là cào lưới làm tôm bị xây xát gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, dễ dẫn đến nhiễm các loại bệnh. Tôm bố mẹ, sau khi khai thác thường không qua kiểm dịch, xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm mà được bán trực tiếp cho các trại SX giống…
Cà Mau là tỉnh có số trại SX tôm sú giống nhiều nhất khu vực ĐBSCL với 819 trại, phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, phát triển tự phát không theo quy hoạch. Trong số này, có đến hơn 50% chỉ làm theo mùa vụ, không SX cố định một loại con giống (có khi chuyển sang SX cua giống) nên rất khó kiểm tra, kiểm soát.
Thị trường tôm giống đang rất bát nháo
Đến nay, số trại thực hiện ký cam kết SX tôm giống an toàn dịch bệnh và đảm bảo chất lượng theo chỉ thị của UBND tỉnh ban hành vẫn còn rất ít. Do đó, dù có số trại SX hùng hậu như vậy nhưng mỗi năm tỉnh Cà Mau cũng chỉ có thể SX được khoảng 10 tỷ con tôm giống. Trong khi đó, với diện tích thả nuôi khoảng 265.000 ha (cả công nghiệp và quảng canh) thì nhu cầu tôm giống thả nuôi toàn tỉnh lên đến 15- 16 tỷ con/năm. Hơn nữa, lượng tôm SX được không chỉ bán trong tỉnh mà còn được xuất bán ở các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, nông dân Cà Mau vẫn phải lệ thuộc rất nhiều vào nguồn tôm giống nhập từ nơi khác về.
Tương tự, Kiên Giang hiện cũng đang có hàng trăm cơ sở SX, kinh doanh tôm sú giống. Tuy nhiên, chỉ 27 cơ sở là có khả năng tự SX được con giống với sản lượng mỗi năm khoảng 3,5 tỷ con. Còn lại là mua tôm từ nơi khác về ương vèo để bán lại cho nông dân kiếm lời. Phần lớn cơ sở kinh doanh tôm giống không có chứng chỉ hành nghề, không công bố chất lượng con giống, điều kiện vệ sinh thú y không đảm bảo… Thông thường, loại tôm của các cơ sở này bán ra có giá rất bèo, chỉ bằng phân nửa, thậm chí bằng 1/3 so với tôm của các cơ sở có chất lượng. Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn loại tôm này thường bị bệnh còi, sức đề kháng yếu do bố mẹ bị ép đẻ nhiều lần.
Của rẻ là của ôi
Ông Lê Trung Hiếu, một người chuyên kinh doanh tôm giống ở huyện An Minh (Kiên Giang) cho biết: “Trước đây, người SX tôm giống thường chỉ cho tôm mẹ sinh sản 1- 2 lần rồi thả tôm mẹ ra biển. Còn hiện nay, do tôm bố mẹ ngày càng hiếm và để tăng lợi nhuận, một con tôm mẹ có thể cho sinh sản 5- 7 lần, đến khi kiệt sức mới thôi. Chính vì vậy mà chất lượng tôm giống không được đảm bảo, giá cả thì đủ loại, từ 10 đồng/con đến cả 100 đồng/con”.
Chất lượng tôm giống ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của vụ tôm
Theo ông Hiếu, thường thì các lô tôm đẻ đợt đầu, có chất lượng tốt đã được các đơn vị nuôi lớn xí phần hết. Vì các công ty, đơn vị nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn đều có cơ sở SX con giống vừa phục vụ nhu cầu vừa bán cho thị trường. Hoặc nếu phải mua tôm giống từ nơi khác thì họ sẽ cử cán bộ đến theo dõi quá trình SX, bắt tôm con đi làm xét nghiệm đạt chất lượng thì mới mua về thả nuôi. Còn những lô tôm kém chất lượng thì được bán trôi nổi ra ngoài bằng cách đánh vào tâm lý ham rẻ của nông dân.
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, tình hình SX- KD tôm giống hết sức phức tạp. Nhiều trại quy mô nhỏ lẻ SX con giống không đạt yêu cầu. Thậm chí một số cơ sở không đủ năng lực còn mua Naupli, post (tôm giống con) của DN SX lớn về trộn với tôm của trại mình hoặc tôm chợ rồi đóng bao bì, nhãn mác để lừa bán cho nông dân.
Ngoài ra, còn một lượng tôm giống (chủ yếu là thẻ chân trắng) được nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về, nhưng không được kiểm dịch, kiểm soát nên gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Ông Trần Văn Dũ, một hộ nuôi tôm ở xã Đông Hòa (An Minh) cho biết, trên thị trường tôm giống có rất nhiều loại. Tôm của các cơ sở có thương hiệu (nông dân thường gọi tôm thùng) thì giá rất cao, dao động từ 70- 100 đồng/con. Còn tôm lẻ (tôm do các cơ sở vèo bán lại) chỉ 30- 40 đồng/con. Biết là tiền nào của đấy, nhưng do kẹt tiền nên ông quyết định chọn mua tôm chợ cho rẻ.
“Sau khi bỏ ra gần 10 triệu đồng để cải tạo 5 ha ruộng nuôi tôm, tôi ra chợ mua 80.000 con tôm sú giống, với giá 40 đồng/con về thả nuôi. Nhưng không hiểu sao tôm rất chậm lớn và cứ ngày một thưa dần. Cuối cùng đành phải hủy bỏ để nuôi lại. Thấy họ bán ở chợ nhưng có đóng thùng hẳn hoi, giá cả cũng phải chăng nên mua về nuôi, ai ngờ gặp phải tôm kém chất lượng, thế là mất trắng cả chục triệu đồng, có cải tạo thả lại cũng bị trễ vụ nuôi”, ông Dũ bức xúc.
Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN- PTNT An Minh cho biết, vụ nuôi năm nay toàn huyện thả nuôi 34.500 ha, chủ yếu là nuôi quảng canh theo mô hình tôm- lúa. Hiện một số địa phương đã xảy ra tình trạng tôm chết rải rác với mức độ thiệt hại từ 20- 80%. Tôm chết thường có thời gian thả nuôi từ 1- 1,5 tháng tuổi và chết nhiều sau khi có những cơn mưa trái mùa. Tôm "đột tử" có thể là do chất lượng giống không đảm bảo, sức đề kháng yếu nên khi thời tiết thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc môi trường, bệnh cơ hội bùng phát…
Còn tại Cà Mau, từ đầu vụ thả nuôi đến nay đã có hơn 3.000 ha tôm bị thiệt hại. Trong đó, diện tích tôm nuôi công nghiệp bị chết nhiều nhất là ở huyện Phú Tân với hơn 200 ha, chiếm gần 50% diện tích đã thả nuôi của huyện. Còn lại là diện tích tôm nuôi quảng canh bị chết rải rác ở các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn. Phần lớn tôm chết có dấu hiệu bị bệnh đỏ thân, thiệt hại từ 20- 50% năng suất.