Dọc bờ Đà giang
Chúng tôi về lại xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ) - xã có tới 100% số hộ dân phải chuyển dời nhường đất cho vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La. Cả con đường dài cả trăm kilômét nhưng chỉ có một hình ảnh duy nhất là cảnh trên bến dưới thuyền, cá tôm nung núc và những nụ cười trúng mẻ lưới của ngư dân.
Dọc từ xã Ma Quai, Nậm Tăm, Noong Hẻo… ở đâu cũng vậy, hễ chúng tôi dừng lại hỏi chuyện cá tôm ở Nậm Mạ là người dân hào hứng đáp lời với những con số ấn tượng. Ở bến Nậm Tăm (một bến bán cá mới sinh ra trên suối Nậm Mạ khi nhà máy thủy điện đóng cửa, tích nước) người dân cứ xuýt xoa: sao mấy anh không đến sớm, hôm trước có con cá lăng nặng 33kg đưa từ Nậm Mạ lên, hôm nọ có con cá mè 18kg, tháng trước có người đánh được con chép to bằng đứa trẻ con...
Dọc đường, cứ chỗ nào nước đã dâng, ở gần đường đi là chúng tôi dừng lại. Một phần là nhìn ngắm lòng hồ, tìm lại dấu tích xưa, một phần là để “uống” cái không khí tấp nập trên sông nay đã là hồ. Đoạn đường gần 60km từ xã Nậm Mạ lên đến xã Nậm Tăm tuy không xa nhưng do đường rất khó đi nên giải pháp đường thủy được nhiều người lựa chọn.
Chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Tản - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mạ: “Không nói quá chứ, sáng nào người ta chẳng mang cá lên các bản bán dạo. Có 30 nghìn 1kg. Cá sông chính hiệu. To có, bé có, tôm thì nhiều lắm!”, ông Tản cho hay.
Ông Tản kể về những ngày sông Đà vẫn như thuở hoang sơ, vẫn còn hòn đá hình cái yên ngựa giữa suối mới sinh ra cái tên Nậm Mạ, về những con cá chiên đầu to bằng cái thuyền độc mộc sặc bùn dạt vào bờ trong mùa lũ mà người dân chê chẳng thèm ăn, về những con kỳ đà dài bằng thân người chỉ chực ôm xác người chết đuối.
Nhà nổi - chuyên bán xăng dầu cho người qua sông
“Nằm” trên “vàng”…
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã hình thành. Diện tích mặt nước mênh mông với vô vàn tôm cá cũng như nhiều nguồn lợi khác đang tạo ra cơ hội lớn cho người dân khu vực lòng hồ.
Nguồn lợi dễ thấy và đang được cho là lớn nhất do lòng hồ mang lại cho người dân là khai thác thủy sản. Tất cả những ngư dân tôi đã gặp ở khu vực vùng thấp của huyện Sìn Hồ đều đưa ra những con số ấn tượng về thu nhập bình quân hàng ngày của mình. Những con số đó không có số nào dưới 100.000 đồng/ngày đối với 1 lao động. Tính trung bình mỗi kilogam cá khai thác từ lòng hồ có giá bán từ 50 - 60.000 đồng. Một đêm mỗi thuyền câu, thuyền lưới dù thất bát cũng phải thu được từ 5 - 10kg cá to. Đêm nhiều, trúng lưới có thể lên gấp 4 - 5 lần như thế. Ấy là còn chưa kể đến những loại cá đặc sản, cá to thì giá cao đến mức người có thu nhập bình bình khó lòng mua được.
Tôi gặp anh Hồ Văn Viện (bản Co Hát - xã Nậm Mạ - huyện Sìn Hồ), anh Trần Đình Thăng (tỉnh Hoà Bình), anh Trần Văn Sơn (tỉnh Sơn La) và nhiều ngư dân mới sinh nghiệp ở đây. Các anh đều khẳng định trung bình mỗi đêm đánh bắt cá, tôm có thể cho thu nhập đến 500 nghìn cho mỗi lao động.
Cá nhiều nhưng chưa thấy ngư dân nào than phiền về chuyện cá ế. Lượng cá đánh được hàng ngày không “thấm” vào đâu so với nhu cầu của người dân trong khu vực cũng như khả năng “ăn hàng” của các lái buôn. Bây giờ đã thành thông lệ, tại các bến cá mới mở của các xã Nậm Tăm, Nậm Cha, Căn Co, Nậm Mạ, Nậm Cuổi cứ từ 5 - 7h sáng là người dân, lái buôn lại tấp nập vào mua cá. Cá lớn, tiền “to” thì các nhà hàng, lái buôn “bao” trọn. Cá nhỏ thì đồng bào mua lẻ về cải thiện bữa ăn. Hàng chục thuyền cá vào bến, hàng trăm lồng cá lên bờ nhưng chưa thấy bao giờ có cá thừa, cá ế.
Du lịch lòng hồ và vận tải đường thủy cũng đang được nhiều người nhắc tới như một sự lựa chọn sáng giá cho việc phát triển kinh tế, xã hội quanh vùng. Thực tế đây không phải là hướng đi tồi. Những hòn đảo vốn trước đây là những ngọn núi chót vót bất chợt mọc lên giữa mặt nước mênh mông hòa với phong cảnh bên bờ được nhuộm vàng bởi lúa nương, ruộng bậc thang và những mái nhà màu bạc của tấm lợp... sẽ là lựa chọn thơ mộng, lãng mạn cho những người thích khám phá.
Hiện nay nhiều người dân sống ven hồ đã sắm thuyền máy công suất lớn, khoang thuyền rộng để làm phương tiện kinh doanh vận tải. Thực tế cho thấy do các tuyến đường nội vùng chưa được đảm bảo chất lượng nên thời gian di chuyển bằng đường bộ dài hơn và mệt mỏi hơn nhiều so với đường thủy, thành ra di chuyển, vận chuyển bằng thuyền đang là lựa chọn của rất nhiều người dân ở khu vực này.
Nhưng chưa biết “lấy”
Tuy nhiên đến nay lợi thế vẫn chưa được khai thác hiệu quả và người dân thì vẫn nghèo vì người dân sống trong vùng dù có kinh nghiệm đánh bắt thủy sản hàng ngàn đời nhưng khi nước dâng những kinh nghiệm ấy so với thực tế tiềm năng vẫn chỉ như tí hon đứng với khổng lồ. Những tay chài, lưới vét chẳng là gì so với lòng hồ rộng lớn với những con cá nặng hàng mấy chục kilogam, với những chiếc vó bè, thuyền câu hàng trăm triệu đồng.
Vốn đầu tư cho việc nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản, vận tải đường thủy đang là cái khó lớn nhất của những người muốn đi lên từ mặt hồ. Với những người đánh cá thì lưới là một công cụ lao động không thể thiếu. Tuy nhiên với giá cả thị trường như hiện nay, số tiền từ 1 - 2 triệu đồng chỉ đủ để mua loại lưới đánh cá cho vịt.
Đối với việc kinh doanh vận tải lại đòi hỏi nhiều hơn. Ngoài phương tiện kinh doanh (thuyền, tàu, phương tiện cứu sinh) người muốn tham gia lĩnh vực kinh tế này còn phải đảm bảo giấy phép hành nghề. Tuy nhiên đến nay Lai Châu chưa có cơ sở đào tạo chứng chỉ theo đúng nghĩa, chưa có các luồng, lạch, phao tiêu, biển báo, chưa có bến cảng và thậm chí chưa có cả lực lượng cảnh sát đường thủy với nghiệp vụ, phương tiện đầy đủ.