Một góc chợ cá đêm Vĩnh Long
Bến cá Vĩnh Long được chính thức đưa vào sử dụng năm 2009, trên mặt bằng của bến tàu khách tỉnh, bên sông Long Hồ, phường 1, Tp. Vĩnh Long. Nhờ cơ sở hạ tầng sẵn có tương đối hoàn chỉnh, lại nằm ngay ở vị trí thuận lợi trong Tp. Vĩnh Long, thuận đường đi các tỉnh thành trong khu vực..., nên nhiều chủ tàu, chủ xe khai thác thủy, hải sản ở Vĩnh Long và các tỉnh bạn đã chọn nơi đây để mua, bán sản phẩm, lấy nhiên liệu...
Hiện nay, tại bến cá Vĩnh Long đã có khoảng chục chủ vựa, chuyên mua bán cá và đưa đi phân phối ở các chợ đầu mối trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đội quân bốc vác cũng hình thành với trên 30 người thường xuyên túc trực. Ngoài ra, tại đây còn có khoảng 20 xe ôtô, xe ba gác máy, xe honda... sẵn sàng đưa cá đi các nơi theo yêu cầu. Xe mang biển số các tỉnh khác về đây thường xuyên cũng vài chục chiếc... Khác với ngày đầu, bến cá Vĩnh Long bây giờ nhộn nhịp, sầm uất hơn nhiều. Nơi đây, trở thành điểm chợ đầu mối lớn nhất tỉnh về cung cấp hàng thực phẩm thủy sản như: cá biển, cá đồng đặc trưng của hai hệ sinh thái mặn, ngọt. Ngoài ra, còn có tôm, cua... theo mùa. Vựa cá lớn nhất có số lượng mua, bán bình quân mỗi đêm hơn 5 tấn thủy, hải sản các loại.
Càng về khuya, không khí làm việc trên bến cá càng khẩn trương. Hàng chục con người vây quanh từng khênh cá đủ loại, nhanh tay phân loại, cân, bốc lên xe... Ở góc khác, vài thanh niên hì hục chuyển đá, nước, bơm dầu vào những can nhựa loại 40-50 lít... để chuẩn bị chuyến tải mới. Tiếng nói cười râm ran cả khu vực.
Anh Lê Hồng Sang cư ngụ ở khóm 1, phường 5 cho biết, khi ghe cặp bến thì chủ ghe không phải lo gì cả. Các công việc như vớt cá, cân cá, gánh cá thì có anh em trong công đoàn bến cá lo. Còn việc tính tiền... từ A đến Z thì đều là đại lý lo. Chủ ghe cứ việc... ngồi ghi sổ, sáng ra đại lý là nhận tiền. Tất cả chuyện mua bán bến cá hay tại chợ cá đều phải thông qua đại lý. Mỗi ký cá các đại lý được hưởng 700 đồng, bất kể giá cả lên xuống thế nào. Tuy nhiên, các chủ ghe cá rất hài lòng, vì họ không phải lo bị cân thiếu và khâu đầu ra. Mặc dù không có những đợt cá thắng đậm bất ngờ như nuôi cá xuất khẩu, nhưng những người lái cá như anh Sang không lo nợ tiền, chiếm dụng vốn. Mặc dù giá cá ở Vĩnh Long khá “mềm”, thường rẻ hơn các địa phương khác khoảng 1.000đ/kg, nên thu hút các bạn hàng từ các nơi đổ về đây “ăn hàng”; nhưng giá như hiện nay thì anh cũng làm ăn được. Như 2,5 tấn cá điêu hồng hôm nay, cân giá 13.000đ/kg, thì anh cũng kiếm lời khoảng 1.500 đ/kg.
Như mọi ngày, hàng chủ lực hôm nay là cá điêu hồng, cá lóc và cá rô. Trong đó, có những chiếc xe chỉ chở mướn do không có vốn, nhưng phần lớn là những người đi thu mua cá từ các lồng bè hoặc hầm của những người nuôi cá, để cân lại cho các chủ vựa, sau đó sang tay cho các bạn hàng từ tỉnh khác. Những người làm việc liên tục và cực nhất ở bến cá và chợ cá là những anh em trong tổ công đoàn. Tất cả đều cởi trần, cứ hai người gánh một khênh cá điêu hồng, nặng chừng 70 - 80kg; những phuy cá rô lớn hơn thì có lúc nặng cả trăm kilôgam.
Cao điểm, các công nhân gánh cá liên tục, nhưng ai vào việc nấy rất nhịp nhàng. Người vớt cá thì lặn vào trong đục, cả đêm người ướt nhèm, người thì khiêng cá lên bàn cân, người lo bơm nước... Mấy tấn cá được chuyển lên xe gọn gàng trong thoáng chốc. Công việc rất cực nhọc, nhưng thu nhập khá ổn định. Thông thường, thấp nhất là 180.000đ/đêm, thu nhập cao nhất là 250.000đ/đêm. Ở đây, những người làm việc tốt thường được các chủ ghe, đại lý ưu ái thưởng thêm. Vì vậy, những người gánh cá ở đây, khi công việc ổn định thì cũng đủ trang trải cho cả gia đình và con cái ăn học.
Tại chợ, có những bạn hàng chuyên bán cá đồng, chủ yếu là từ các xã giáp với tỉnh Đồng Tháp. Trung bình mỗi ngày chợ cung cấp cho thị trường hàng trăm ký cá đồng các loại, nhưng vào lúc cao điểm khi nước lũ rút, mỗi ngày chợ cá Vĩnh Long có thể cung cấp khoảng 1tấn đến vài tấn cá đồng.
Con đường 1/5 ồn ào hơn bởi tiếng còi xe, tiếng chào khách, tiếng trả giá... tạo nên âm thanh rất đặc trưng. Những người phụ nữ nhanh miệng mời khách. Tiếng mặc cả ngày một nhiều, xé toạc sự tĩnh lặng của màn đêm. Dưới ánh sáng mờ của đèn đường, như thói quen, người mua chỉ cần nhìn sơ là biết cá, tôm, cua có tươi ngon hay không. Họ mặc cả và nếu được giá, cuộc giao dịch nhanh chóng diễn ra, để còn quay trở về cho kịp bán buổi chợ sáng.
Một đêm thức trắng cùng bến cá Vĩnh Long, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của những người mưu sinh lấy đêm làm ngày. Nhờ có họ mà các chợ khắp nơi trong tỉnh và khu vực có được những thực phẩm tươi ngon.