Thiếu cả vốn và nguyên liệu
Những năm gần đây, làng nghề hoạt động không còn nhộn nhịp như trước. Ông Lê Văn Thơ, hơn 20 năm gắn bó với nghề làm khô chia sẻ: “Trước đây, nguồn nguyên liệu khá dồi dào, giá rẻ, chỉ ra cảng cá Ba Tri là mua được nguyên liệu (cá linh, cá đổng, cá mối, cá chình…) đem về sản xuất khô. Nhưng bây giờ, phải đặt bạn hàng tại cảng cá Bình Thắng, huyện Bình Đại, thậm chí liên hệ tận Bạc Liêu mua, thuê xe chở về vẫn khan hiếm. Có hộ một tháng không mua được cá nguyên liệu để làm khô. Cá nguyên liệu khan hiếm nên giá luôn đẩy lên cao. Người làm khô thu lợi nhuận giảm dần”. Phần lớn hộ dân sản xuất khô quy mô phải thuê thêm lao động. Tiền công lao động từ tính theo ngày chuyển sang ăn theo sản phẩm. Cá nguyên liệu đem đánh vây, rửa sạch, xẻ ra… được nhận tiền công 1.500 đồng/kg, rồi tham gia sắp cá vào khung phơi, tẩm gia vị… được thêm 1.000 đồng/vỉ.
Do cá nguyên liệu không ổn định, có hôm thu mua vài trăm ký, cao nhất ngoài một tấn, có khi kéo dài nhiều ngày không mua được ký nào nên hộ sản xuất cá khô phải phân chia cá nguyên liệu hợp lý cho lao động làm thuê, mỗi người phải được nhận ít nhất 50kg cá nguyên liệu/ngày, tương ứng với tiền công gần 100 ngàn đồng mới đảm bảo ổn định cuộc sống. Nếu như trước đây, 100kg cá nguyên liệu, sản xuất thành khô, trừ chi phí các khoản, hộ dân còn lợi nhuận ngoài 100 ngàn đồng thì nay giảm chỉ còn 20 - 30 ngàn đồng.
Theo bà Trần Thị Minh Châu - Phó chủ tịch UBND xã An Thủy, ấp An Thuận có số hộ sản xuất cá khô nhiều nhất, với tổng số 60 hộ nhưng chỉ có 23 hộ hoạt động thường xuyên, số còn lại hoạt động theo mùa vụ.
Cái khó hiện nay của hộ dân sản xuất khô ở An Thủy là vốn đầu tư. 100kg cá nguyên liệu đưa vào sản xuất chi phí bình quân 2,6 triệu đồng. Tất cả phải thanh toán ngay cho người bán cá, lao động, tiền gia vị ướp cá. Trong khi đó, khô bán cho các mối lần này, mới lấy được tiền đã bán khô lần trước. Ông Lê Văn Thơ chia sẻ: “Cá sản xuất thành khô là bán ngay, nếu giữ lại, giá cá nguyên liệu tăng, tức đẩy giá khô lên thì tiêu thụ gặp khó khăn”.
Đối mặt không ít khó khăn, có lúc phải sản xuất cầm chừng, nhiều hộ dân vẫn không muốn bỏ nghề truyền thống. Bởi tìm một nghề khác để kinh doanh thì không đơn giản chút nào. Chính nghề sản xuất cá khô truyền thống đã góp phần quan trọng trong giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng không nhỏ lao động nhàn rỗi. Theo số liệu thống kê của UBND xã An Thủy, trung bình mỗi năm, hộ sản xuất khô đã thu mua hơn 48 ngàn tấn cá nguyên liệu, cung cấp cho thị trường khoảng 17 ngàn tấn khô các loại. Nghề làm khô đã giải quyết được thời gian nhàn rỗi của lao động địa phương. Mỗi ngày làm khô ăn theo sản phẩm được gần 100 ngàn đồng, rất có ý nghĩa đối với người dân ở nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo”.
Liên kết để duy trì
Năm 2008, làng nghề sản xuất cá khô An Thủy được công nhận. Đến năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể thủy sản khô An Thủy, với hai sản phẩm tôm khô và cá khô. Đây là tín hiệu lạc quan cho làng nghề sản xuất cá khô An Thủy.
Tuy vậy, đến thời điểm này, lợi thế chưa được phát huy, thay vào đó hộ sản xuất khô phải đối mặt thêm nhiều khó khăn, thách thức. Các hộ dân sản xuất cá khô được ngành hữu quan mời tham dự nhiều lớp tập huấn liên quan đến hoạt động, cách thức sơ chế cá, an toàn vệ sinh sản phẩm… Có 5 hộ dân được hỗ trợ tiền mua quạt máy để sấy cá khô, Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 90 triệu đồng mua tầm vông làm khung phơi khô và cá nguyên liệu.
Bà Trần Thị Minh Châu - Phó chủ tịch UBND xã An Thủy cho rằng, hoạt động sản xuất, chế biến khô của các hộ dân còn mang tính riêng lẻ, giá vật tư đầu vào, chất lượng sản phẩm không ổn định, thông tin về thị trường còn hạn chế. Hộ dân còn hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh; sự liên kết giữa hộ đánh bắt, thu mua chế biến chưa được hình thành chặt chẽ. Quy trình chế biến khô, chủ yếu bằng thủ công, truyền thống nên chất lượng còn thấp, khâu bảo quản sản phẩm còn hạn chế.
Hiện nay, làng nghề còn sản xuất trực tiếp trong hộ gia đình, xen lẫn trong khu dân cư, điều này gây khó khăn cho việc hình thành sân phơi gây ô nhiễm môi trường. Ông Lê Văn Thơ thừa nhận: “Gia đình tôi cũng như một số hộ khác chỉ dừng lại ở việc đầu tư hầm chứa nước thải, rồi dùng clo xử lý, sau đó cho thẳng ra sông. Dự tập huấn cũng nghe đề cập đến xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chi phí ngoài trăm triệu đồng, vượt xa tầm tay hộ sản xuất khô. Vấn đề di chuyển hộ dân đến nơi sản xuất tập trung, có hộ muốn liên kết lại, hộ không muốn liên kết, ngại phải tốn chi phí thuê mặt bằng, thuế…”.
Để tiếp cận chính sách ưu đãi dành cho làng nghề, nhãn hiệu sản phẩm xem ra phải cần sự nỗ lực tích cực hơn từ ngành hữu quan lẫn hộ dân của làng nghề. Nếu cứ duy trì tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy “bơi” thì chắc chắn làng nghề sẽ mai một dần. Trong xu thế hiện nay, liên kết sản xuất, tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ là yêu cầu không thể thiếu. Sản phẩm làm ra phải có số lượng lớn, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có nhãn hiệu hàng hóa và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.