Nhiều cơ sở kinh doanh cá giống trên địa bàn các huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, Chợ Gạo cho biết, những năm gần đây sản lượng cá tai tượng giống trên thị trường giảm do bệnh SBC (do ký sinh trùng gây ra) đang hoành hành trên cá tai tượng giống. Nhiều nông dân ương cá tai tượng giống cho biết trong các loại bệnh trên cá tai tượng thì bệnh SBC là đáng lo ngại nhất, bởi bệnh này khó phòng trị, tỷ lệ thiệt hại cao. Trước đây, có trường hợp người ương cá tai tượng giống bị thiệt hại trên 200 triệu đồng do cá giống bị bệnh SBC.
Bệnh SBC không chỉ gây hại trên cá tai tượng giống mà còn hoành hành, gây thiệt hại nặng trên cá tai tượng nuôi thịt. Theo các kiểm nghiệm viên Phòng xét nghiệm bệnh thủy sản (Chi cục Thủy sản Tiền Giang), gần đây hầu như các mẫu cá tai tượng bị bệnh mang đến xét nghiệm đều được kiểm tra và xác định là bệnh SBC. Bệnh này sẽ gây suy yếu cá, từ đó tạo cơ hội cho các mầm bệnh khác như: Bệnh xuất huyết mang, vây, nấm thủy mi, bệnh trùng bánh xe… biểu hiện bệnh và gây chết cá.
Nguyên nhân chủ yếu là người nuôi lấy nước vào ao từ nguồn nước bị ô nhiễm, cải tạo ao không kỹ, hoặc mua nhầm cá giống mang sẵn mầm bệnh. Trong trường hợp xác định cá tai tượng bị bệnh SBC, biện pháp xử lý là người nuôi kêu bán cá ngay đối với những ao cá đạt kích cỡ thương phẩm, còn nếu tiếp tục nuôi thì chỉ có thể cải thiện chất lượng nước (thay nước, diệt khuẩn) và tăng sức đề kháng cho cá (trộn Vitamin C vào thức ăn) để giúp cá mạnh vượt qua dịch bệnh và phải chịu một tỷ lệ hao hụt lớn. Nhiều trường hợp nông dân hủy luôn đàn cá bệnh lúc mới nuôi để hạn chế thiệt hại.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, bệnh SBC xảy ra phổ biến trên cá tai tượng trong những năm gần đây và ngày càng gây nhiều thiệt hại cho người nuôi cá. Bệnh này có tác nhân gây bệnh là bào tử sợi có 2 cực nang Myxobolosis hay bào tử sợi có đuôi Henneguyosis ký sinh trên mang cá (hay còn gọi là thích bào tử trùng), gây tổn thương cơ quan này khiến cá khó hô hấp, phải lên mặt nước đớp không khí và xì hơi nên nông dân thường gọi là bệnh SBC. Ngoài ra, cá bệnh thường có da màu đen sẫm hơn so với cá bình thường.
Cả 2 loại bào tử sợi này đều có lớp vỏ kitin bao bọc ngoài nên khi dùng các loại hóa chất để tiêu diệt thì đòi hỏi nồng độ hóa chất phải cao hơn nhiều so với các loại bệnh khác. Tuy nhiên, nếu ao ương nuôi đang có cá mà dùng hóa chất với liều lượng quá cao thì cá nuôi đã chết trước khi các tác nhân gây bệnh bị tiêu diệt. Chính vì vậy, về cơ bản bệnh SBC chỉ có thể phòng mà không thể trị.
Do đó, để hạn chế những thiệt hại do bệnh SBC gây ra trên cá tai tượng, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang khuyến cáo, người ương cá giống và nuôi cá thịt (đặc biệt là cá tai tượng) cần chú ý đến khâu chuẩn bị ao nuôi, nhất là đối với những ao cũ.
Muốn vậy, trước hết cần phải nạo vét kỹ nền đáy, bón vôi với liều 120 - 150 kg vôi bột/1.000 m2, phơi đáy đến khi đất nứt nẻ mới lấy nước vào ao (đối với đất phèn chỉ phơi đến khi ráo nước).
Sau khi lấy nước vào ao, cần diệt khuẩn bằng các loại thuốc sát trùng có uy tín trên thị trường và chờ cho đến khi hóa chất xử lý tồn dư trong nước ao nuôi bị phân hủy hoàn toàn (tùy theo từng loại hóa chất) mới tiến hành gây tảo và thả cá bột để ương giống hay nuôi cá thịt.
Nông dân nuôi cá tai tượng thương phẩm cần chọn con giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống có uy tín, được cơ quan thú y kiểm dịch chặt chẽ và nên nuôi luân canh các đối tượng thủy sản khác nhau để cắt đứt mầm bệnh trong ao.
Tiền Giang có làng sản xuất cá tai tượng giống ở xã Nhị Mỹ (TX. Cai Lậy), được coi là cái nôi của giống cá tai tượng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh cũng có diện tích nuôi cá tai tượng thịt lớn trong khu vực với hơn 100 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Cai Lậy, TP. Mỹ Tho; mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 400 - 500 tấn cá thịt.