Ông Trần Văn Tình (ở Vũng Mắm, TX.Sông Cầu) cho biết trước đây lồng tôm nhà ông thả chìm sát đáy. Tuy nhiên, qua đợt tôm bất ngờ chết hàng loạt vừa qua, ông điều chỉnh không thả lồng sát đáy nữa mà cho nổi lưng chừng trong nước bằng cách dùng can nhựa ghép vào dưới lồng và nẹp bên hông. Nhờ đó, lượng thức ăn dư thừa rơi xuống đáy, không ảnh hưởng đến lồng tôm nuôi. “Do thói quen của người nuôi là ép tôm ăn nên cho thức ăn rất nhiều vào lồng, trong khi tôm lại ăn có hạn. Toàn bộ thức ăn là cá tươi, nên khi dư thừa thức ăn sẽ rơi xuống đáy, phân hủy tạo chất hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước”, ông Tình phân tích.
Ông Bùi Văn Bảy, người khá am hiểu về dòng chảy của vịnh Xuân Đài, cũng cho rằng nguồn thức ăn dư thừa chính là thủ phạm gây ra tôm hùm chết hàng loạt vừa qua. Mùa này, dòng chảy dưới đáy trong vịnh Xuân Đài rất yếu nên lượng thức ăn thừa thãi hằng ngày vẫn nằm yên dưới đáy, rồi tự phân hủy. Nếu lồng nuôi thả chìm xuống đáy như lâu nay thì tôm bị ô nhiễm do thức ăn thừa phân hủy.
Theo ông Bảy, đầu tư nuôi lồng chìm như lâu nay từ 30 - 50 triệu đồng, nay thả lồng nổi lưng chừng phải đầu tư thêm can nhựa, dây neo đề phòng gió đánh dạt trôi lồng ra biển, nên chi phí mỗi lồng nuôi tăng thêm 1 triệu đồng. “Nhưng cái lợi của cách nuôi này là ô nhiễm tầng đáy ít ảnh hưởng đến tôm nuôi trong lồng. Kể từ khi áp dụng cách nuôi này, tôm hùm phát triển tốt, ít dịch bệnh hơn”, ông Bảy nhận xét.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX.Sông Cầu, cho biết vịnh Xuân Đài hiện có 1.124 hộ nuôi tôm hùm với 13.302 lồng, chủ yếu tôm hùm bông (sao), còn lại tôm đá, tôm xanh, tôm sỏi, tôm tề thiên. Phòng khuyến cáo người dân nuôi thưa, tuân thủ theo quy hoạch vùng nuôi. Định kỳ hằng tháng phòng gửi các văn bản thông báo kết quả quan trắc môi trường và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm theo đúng quy trình, hạn chế dịch bệnh tôm.
Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, cả 3 đợt tôm chết vừa qua với số lượng 32.433 con, trong đó 19.483 con tôm hùm bông, 12.950 tôm hùm xanh, thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng.