Từ câu chuyện của Bianfishco…
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 2/8/2010, bà Phạm Thị Diệu Hiền, khi đó là Tổng giám đốc Bianfishco, đã thế chấp toàn bộ số cổ phần cá nhân đang nắm giữ tại Bianfishco cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để lấy vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến ngày 11/1/2011, số cổ phần này lại được bà Hiền thế chấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang và hai bên đã đăng ký giao dịch bảo đảm.
Ngày 13/7/2011, bà Hiền tiếp tục mang 25 triệu cổ phần chuyển nhượng cho Công ty Hồ Mây (được Habubank ủy thác). Ngày 9/9/2011, một cổ đông của Bianfishco chuyển nhượng cho Công ty Hồ Mây trên 9 triệu cổ phần, chiếm 10,01% vốn của Bianfishco, nâng số cổ phần Habubank nắm giữ lên tới 39 triệu cổ phần, tương đương 78% vốn điều lệ Bianfishco. Habubank sau đó phải tái cơ cấu, sáp nhập vào Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nên toàn bộ các khoản nợ của Bianfishco được chuyển giao sang cho chủ mới là SHB.
Để chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Bianfishco, SHB cam kết phát hành thư bảo lãnh (không hủy ngang vô điều kiện) cho Bianfishco nhằm thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay (cả gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính phát sinh có liên quan) của VDB tại các hợp đồng tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu. Khi thư bảo lãnh có hiệu lực, VDB giải chấp toàn bộ tài sản bảo đảm tiền vay của Bianfishco, trong đó có 25 triệu cổ phần mang tên Phạm Thị Diệu Hiền để ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Bianfishco hiện tại, và SHB làm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.
Tuy nhiên, trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ đang xem xét hồ sơ thì nhận được công văn của BIDV chi nhánh Sở giao dịch TP. HCM với nội dung 25 triệu cổ phần do Bianfishco phát hành mang tên bà Hiền đã được thế chấp tại đây. Ngân hàng này yêu cầu Sở tạm ngừng thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh cho Bianfishco, trừ khi có văn bản giải chấp của BIDV liên quan đến 25 triệu cổ phần của bà Hiền.
Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao chỉ với một khối tài sản mà Bianfishco có thể đem thế chấp tại 3 ngân hàng được? Lý do có nhiều, song một thực tế hiển nhiên là việc thiếu minh bạch trong thông tin DN là lý do đầu tiên phải nhắc tới.
… đến yêu cầu công khai thông tin DN
Mục tiêu công khai và minh bạch trong thông tin về DN đã được đặt ra ngay từ khi Luật DN 1999 được ban hành, với khá nhiều cơ chế báo cáo của DN cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ công bố thông tin của các cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, bước cải cách lớn trong hoạt động này chỉ mới dừng lại ở cắt giảm thời gian, thủ tục hành chính trong phần “tiền đăng”. Còn phần quan trọng là “hậu kiểm” gần như bị để trống.
Trong trường hợp của Bianfischco, nếu như cơ chế hậu kiểm được hoàn thiện sớm, thông tin của DN được công khai, khả năng tiếp cận các nguồn tin được kiểm chứng cho các đối tác, ngân hàng… được mở rộng, và đặc biệt là cơ chế cảnh bảo rủi ro của hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia được vận hành, thì chuyện ngân hàng ngã ngửa vì ôm nhầm tài sản thế chấp cũng ít có điều kiện xảy ra hơn.
Trong "Dự án hỗ trợ kỹ thuật cải cách đăng ký kinh doanh ở Việt Nam” do Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ, Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia đang được vận hành thử nghiệm từ nay tới cuối năm 2012. Theo đó, các đối tượng quan tâm đến DN có quyền tiếp cận toàn bộ thông tin về DN từ BCTC đến các công cụ cảnh báo, các khoản nợ thuế, nợ khó đòi với ngân hàng, bạn hàng…
“Việc thông tin minh bạch theo cách mọi đối tượng có quyền tiếp cận, có quyền tham gia cung cấp thông tin sẽ tạo sức ép để DN kiểm soát và đảm bảo thông tin của mình công bố phải chuẩn xác, cập nhật. Hệ thống không kết luận DN làm đúng hay sai, mà chỉ thông tin chính xác, đầy đủ về hoạt động của DN, làm cơ sở cho các đối tượng quan tâm đánh giá về DN đó”, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Ông Gunnar Koren, Cố vấn trưởng Dự án cũng tin rằng, việc lần đầu tiên Việt Nam có dịch vụ cung cấp thông tin về DN cho các đối tượng có nhu cầu, sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bởi cơ chế công khai, buộc cả DN, ngân hàng, và cả cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi để phù hợp với cơ chế mới.
Được biết, nội dung BCTC sẽ công khai trên hệ thống đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thống nhất, theo hướng đề xuất áp dụng tới tất cả các loại hình DN, kể cả DNNN. Theo kế hoạch, quý I/2013, toàn bộ thông tin theo thời gian thực của hoạt động DN sẽ chính thức được mở cửa.