Đã hơn 6 tháng, kể từ ngày bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), ra nước ngoài chữa bệnh, tình hình tại Công ty vẫn lành ít dữ nhiều.
Ít nhất đã có 3 phiên tòa được mở để thụ lý những vụ kiện đòi nợ của người nuôi cá với Bianfishco và phần thắng luôn thuộc về nông dân. Quá trình giải cứu Bianfishco cũng đang gặp nhiều trở ngại khi những thông tin liên quan đến 25 triệu cổ phần của bà Diệu Hiền vẫn chưa rõ ràng.
Hãy khoan bàn đến những vấn đề xung quanh đường đi, tính hợp pháp của số cổ phiếu này cũng như cách xử lý nợ ở Bianfishco. Trong khuôn khổ bài viết này, NCĐT chỉ muốn đề cấp đến 2 khía cạnh: Bianfishco có gì để giải cứu và có nên cứu Bianfishco?
Ai cứu Bianfishco?
Kể từ khi cơn khủng hoảng nợ xảy ra, nhiều người dự đoán kết cục phá sản của Bianfishco sẽ là tất yếu. Thế nhưng, cho đến nay, doanh nghiệp này vẫn còn giữ được tính mạng.
Công đầu có lẽ thuộc về ông Trần Văn Trí, chồng của bà Diệu Hiền, người đã thay bà “dẹp loạn” trong lúc bà đang ở nước ngoài. Tuy nhiên, những cố gắng của ông Trí cũng sẽ không cứu được Bianfishco nếu không có quý nhân hỗ trợ.
Vị cứu tinh đầu tiên là Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), thuộc Bộ Tài chính. Đơn vị này đã trực tiếp tái cơ cấu Bianfishco và đưa ra giải pháp để doanh nghiệp và các chủ nợ ngồi lại cùng nhau tìm hướng giải quyết.
Không lâu sau khi DATC xuất hiện, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 cho biết sẽ bơm 500 tỉ đồng để Bianfishco có thể tiếp tục hoạt động. Vấn đề nợ gốc cũng được dàn xếp ổn thỏa khi Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đồng ý rót vốn và ký cam kết bảo lãnh để giải chấp tài sản bảo đảm. SHB cũng đề xuất sẽ làm đầu mối chủ trì việc tái cấu trúc toàn bộ hoạt động của Bianfishco, bao gồm cả thu xếp tài chính.
“Việc họ ngập trong nợ nần có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương cũng như khu vực. Vì vậy, chúng tôi quyết định tham gia”, ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC, giải thích lý do giải cứu Bianfishco.
Trong khi DTAC tham gia một phần vì trách nhiệm xã hội, Công ty 584 lại nhảy vào vì thấy được cơ hội kinh doanh ở doanh nghiệp này.
Theo ông Trần Kim Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty 584, xuất khẩu thủy hải sản là một ngành tiềm năng, có hiệu quả cao. Trong khi đó, Bianfishco lại có nhà máy chế biến hiện đại và đầu ra tốt, đặc biệt có giấy phép xuất khẩu do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp. Theo đó, Bianfishco được xuất sản phẩm sang thị trường Mỹ với tư cách là sản phẩm sạch, được hưởng thuế 0%.
Cũng với lý do tương tự, mới đây, trong buổi họp báo công bố việc sáp nhập Habubank vào SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB, cho rằng những tiềm năng trên là lý do SHB quyết định tham gia tái cơ cấu Bianfishco, xử lý nợ xấu của Habubank để lại (Habubank là một trong những chủ nợ lớn của Bianfishco).
Bianfishco có thực sự tốt?
Khó mà có thể thấy hết tảng băng chìm của sự giải cứu xuất phát từ một lý do nào đó. Nhưng nếu xét ở khía cạnh kinh doanh có vẻ như các nhà đầu tư tham gia giải cứu Bianfishco đang đánh giá cao lợi thế được xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế 0% của công ty này. Tuy nhiên, đây là lợi thế của 1 năm về trước.
Ngày 9.3.2012, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 7 đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được giảm thuế chống bán phá giá từ 0,56 USD/kg xuống còn 0,03 USD/kg đối với cá tra xuất khẩu. Nghĩa là lợi thế của Bianfishco cũng không thực sự lớn hơn so với các doanh nghiệp khác.
Theo báo cáo thường niên năm 2010, trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu năm 2009, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bianfishco vẫn là châu Âu, chiếm 58,9%. Thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 18,4% trong tổng doanh thu xuất khẩu của Công ty.
Cũng cần nói thêm, Bianfishco chỉ được hưởng thuế suất 0% vào thị trường Mỹ đến hết năm 2012. Sau năm 2012, DOC sẽ xem xét lại quyết định này. Rõ ràng, với cuộc khủng hoảng nợ đang kéo dài, thương hiệu Bianfishco đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định của DOC: Có cho Bianfishco tiếp tục hưởng mức thuế ưu đãi nữa hay không.
Thực ra, vấn đề hiện nay của Bianfishco cũng như các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không phải là đầu ra, cũng không phải là thiếu công nhân hay nhà máy mà nằm ở nguồn nguyên liệu. Nếu cách đây 3 năm, sản lượng cá tra nguyên liệu vượt quá năng lực chế biến do người dân nuôi tự phát thì nay ngành thủy sản Việt Nam lại rơi vào khủng hoảng thừa công suất chế biến do bùng nổ nhà máy. Và Bianfishco cũng không phải ngoại lệ.
Có nhà máy đạt công suất chế biến đến 500 tấn/ngày, nhưng Bianfishco lại phải trông chờ nông dân có lãi, chịu đầu tư mới có nguyên liệu cung cấp cho mình. Đây là một rủi ro rất lớn. Đó là chưa nói đến uy tín của Bianfishco đối với nông dân hầu như đã bị mất hoàn toàn sau đợt chiếm dụng tiền cá vừa qua.
Theo kế hoạch tái cơ cấu do DTAC đưa ra, Bianfishco cũng sẽ phải bán đi vùng nguyên liệu và chỉ giữ lại nhà máy. Như vậy, nếu cứu Bianfishco xong rồi thì doanh nghiệp này sẽ lấy đâu ra nguyên liệu để sản xuất?
Thương vụ tồi
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ, đến giữa tháng 6.2012 Bianfishco đã nợ các ngân hàng, nông dân, đối tác và bảo hiểm xã hội thể hiện trên giấy tờ đến gần 1.791 tỉ đồng. Rõ ràng, ngay cả trong trường hợp các chủ nợ chịu khoanh nợ và không tính lãi, muốn Bianfishco hoạt động trở lại, những nhà giải cứu sẽ phải bơm thêm cho doanh nghiệp này không ít tiền.
Trên lý thuyết, tính đến tháng 8.2012, số tiền các nhà đầu tư đã bơm cho Bianfishco là khoảng 750 tỉ đồng (250 tỉ đồng của DATC và 500 tỉ đồng của Công ty 584). Giả sử sau khi tái cơ cấu, Bianfishco có thể hoạt động tốt ngay lập tức thì việc đầu tư vào Bianfishco cũng không thực sự hấp dẫn.
Theo báo cáo thường niên của Bianfishco, 2010 được xem là năm hoạt động tốt nhất của Công ty, với doanh thu 1.163 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 275,5 tỉ đồng. Nếu như sau khi cơ cấu, mỗi năm Bianfishco có thể đạt được con số lợi nhuận tương tự thì cũng phải mất cả chục năm, doanh nghiệp này mới có thể trả hết nợ và các nhà đầu tư mới có thể thu hồi được vốn đã bỏ ra.
Một vấn đề nữa là liệu cách kinh doanh và cách quản trị mới có thực sự mang lại hiệu quả cho Bianfishco, khi những chủ nhân mới là ngân hàng và công ty bất động sản.
Hình thức mua bán nợ là một loại hình đầu tư rủi ro cao. Nếu muốn đầu tư vào loại hình này, tỉ suất lợi nhuận phải trên 50%, thậm chí cao hơn. Trong khi đó, ngay cả những doanh nghiệp đầu ngành hoạt động hiệu quả nhất cũng không đạt được con số trên. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản Hùng Vương, tỉ suất lợi nhuận của ngành nuôi cá chỉ vào khoảng 10%.
Mặt khác, việc kinh doanh trong lĩnh vực chế biến cá tra đã không còn hấp dẫn như trước. Khi xem xét tình hình kinh doanh của 5 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất năm 2011 (Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Thủy sản An Giang, Việt An và Nam Việt), có thể thấy biên lợi nhuận gộp/doanh thu thuần của hầu hết các doanh nghiệp này đang theo chiều hướng giảm xuống.
Nguyên nhân, theo Hiệp Hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản, là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu của ngành này. Thêm vào đó, trong khi giá thành nuôi cá tra cao, chi phí nuôi trồng và chế biến tăng thì giữa các doanh nghiệp lại diễn ra một cuộc chiến cạnh tranh về giá, khiến giá bán đã thấp lại càng thấp hơn.
“Với bức tranh của ngành thủy sản như vậy, nếu không xét đến những động cơ khác đằng sau vụ giải cứu mà chỉ xét đến cơ hội kinh doanh thì vụ đầu tư vào Bianfishco có thể là một thương vụ tồi”, Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn TNK Capital Parners, nhận xét.
Nguy cơ ỷ lại
Khi một doanh nghiệp gặp khó khăn, cần tái cơ cấu nợ thì việc tham gia của công ty mua bán nợ nhà nước hay của các nhà đầu tư là rất tốt. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn mà còn giúp cho nó có cơ hội phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác, việc giải cứu một công ty sắp phá sản có thể sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho doanh nghiệp, nhất là những đơn vị không đáng được giải cứu. “Một doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả thì nên để cho nó phá sản. Đó là quy luật tự nhiên”, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Còn Tiến sĩ Trần Vinh Dự thì cho rằng: “Việc không cho các doanh nghiệp đã mất khả năng trả nợ phá sản sẽ tạo ra những xác chết biết đi và chúng sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho xã hội về nhiều mặt”.
Đối với những vấn đề của Bianfishco, không thể đổ lỗi cho tình hình kinh tế, lạm phát và lãi suất cao, mà là do Công ty đã đầu tư không hiệu quả, sử dụng vốn lãng phí. Hiện nay, doanh nghiệp này cũng trông giống như người đang chết lâm sàng. Trong 6 tháng qua, Công ty đã không còn khả năng sản xuất kinh doanh bình thường. Các nguồn lực vật chất như thiết bị nhà xưởng không được sử dụng một cách tối ưu. Do đó, việc kéo dài sự tồn tại của Bianfishco cũng đồng nghĩa với việc kéo dài tình trạng khai thác thiếu hiệu quả các tài sản đó.
Không chỉ có Bianfishco, mà còn có nhiều doanh nghiệp không thể khôi phục lại, nhưng vẫn được các ngân hàng bơm vốn. Đây là các khoản đầu tư sai lầm, làm lãng phí nguồn lực. Và đến lượt những khoản đầu tư dưới chuẩn này tạo sức ì kéo lùi hệ thống ngân hàng, gây căng thẳng về tiền mặt, đẩy một số ngân hàng vào tình trạng buộc phải được Nhà nước ứng cứu.
Ngoài ra, việc giải cứu hoặc không cho các doanh nghiệp phá sản cũng sẽ kéo thêm nhiều hệ lụy khác. Đó là kéo dài cơn mộng mị hoang đường của nhiều người, che dấu tình trạng thực sự của nền kinh tế, gây nên ảo tưởng rằng mọi chuyện vẫn ổn, bóp méo thông tin và dẫn tới các khoản đầu tư hoặc cho vay sai lầm. Câu chuyện này ở Việt Nam đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn mà các nguồn lực đã cạn kiệt như hiện nay.